Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Truyện tranh lịch sử hỗ trợ tốt cho môn học lịch sử

(Dân trí)-Mặc dù là môn học quan trọng nhưng chất lượng dạy và học môn Lịch sử trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Hy vọng truyện tranh lịch sử cũng như những phim lịch sử Việt Nam sẽ bổ sung những kiến thức lịch sử cho học sinh.

Nhiều lỗ hổng về kiến thức lịch sử thể hiện qua kết quả của các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng trong những năm qua. Dư luận xã hội và  cả những người “trong cuộc” đã phải  phải “giật mình”, bởi hằng năm, số học sinh đạt dưới điểm trung bình là khá phổ biến trong các kỳ thi quan trọng. Thực trạng đáng báo động này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết về phía nhà trường, phương pháp dạy học truyền thống vẫn tiếp tục được áp dụng trong khi đối tượng tiếp nhận là một lớp học trò mới cần sự tích cực, chủ động. Hiện tượng thuyết giảng một chiều, thầy đọc, trò chép xảy ra khá phổ biến trong các giờ học môn lịch sử. Những sự kiện ngồn ngộn trong sách giáo khoa được truyền thụ mang nặng tính áp đặt cứng nhắc mà không có sự đối thoại cởi mở tạo tâm lý chán nản mệt mỏi trong học sinh. Bên cạnh đó, sự cải tiến đổi mới nội dung sách giáo khoa diễn ra còn chậm.


Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn
Giáo cụ trực quan được sử dụng còn nghèo nàn, quanh quẩn chỉ có một số bức tranh, sơ đồ minh họa không đủ sức cuốn hút, hấp dẫn học sinh.Về phía học sinh, tâm lý giới trẻ trong thời kỳ công nghiệp hóa có xu thế thiên về các môn khoa học tự nhiên, xem nhẹ các môn khoa học xã hội và nhân văn khiến nhiều em không có hứng thú đối với môn Lịch sử. Việc học môn học này còn mang nặng tính đối phó hơn là thực sự say mê khám phá, tìm tòi. Hệ quả là nhiều học sinh không ghi nhớ nổi một sự kiện lịch sử của dân tộc trong khi đó không ít em lại có thể kể ra vanh vách tên của các trò chơi điện tử, diễn viên điện ảnh hay các nhân vật lịch sử ở các nước khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Câu hỏi đặt ra là vì sao học sinh lơ mơ về kiến thức lịch sử trong nước nhưng lại hào hứng khi bàn về những nhân vật hay lịch sử nước khác. Câu trả lời được nhiều người lí giải là: trong khi chất lượng dạy và học môn lịch sử trong nhà trường còn bộc lộ không ít bất cập thì hiện nay chúng ta đang thiếu các sản phẩm văn hóa hấp dẫn về lịch sử. Giới trẻ có thể hiểu về văn hóa Hàn Quốc qua rất nhiều bộ phim truyền hình được chiếu nhan nhản trên ti vi hàng ngày, nắm được lịch sử Trung Quốc qua những bộ phim dã sử hoành tráng, hiểu được văn hóa Nhật Bản qua những bộ truyện tranh nổi tiếng được bày bán rộng rãi trên thị trường. Trong khi đó, việc giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử qua các ấn phẩm văn hóa của ta lại chưa được chú trọng nhiều.

Đối với lứa  tuổi học sinh thì đọc truyện tranh là thú giải trí được rất nhiều em yêu thích, thậm chí là món ăn tinh thần không thể thiếu. Nắm bắt được nét tâm lý này, nhằm làm phong phú thêm nguồn tài liệu về giáo dục lịch sử, thời gian qua một số nhà xuất bản đã cho ra mắt một số bộ truyện tranh lịch sử. Việc mạnh dạn

 
Truyện tranh lịch sử góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh

chuyển tải lịch sử dân tộc qua những cuốn truyện tranh sinh động được xem là hướng đi tích cực trong việc định hướng thị hiếu thẩm mỹ và góp phần giải quyết tình trạng lơ mơ về lịch sử dân tộc trong một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay. Thời gian qua, một loạt bộ truyện tranh lịch sử đã xuất hiện trên thị trường như: Lịch sử Việt Nam bằng tranh (NXB Trẻ); Một thuở nước non này (NXB Giáo dục); Hào khí đất phương Nam (NXB Kim Đồng)… Điều đáng mừng là những bộ truyện tranh này được nhiều học sinh đón nhận, hứng thú tìm đọc. Nhiều truyện có hình thức đẹp, lời thoại trong sáng, ngắn gọn, hình vẽ các nhân vật phong phú phù hợp với từng thời đại khác nhau trong lịch sử dân tộc. Không ít học sinh thừa nhận, khi tìm đến với những cuốn truyện tranh lịch sử, các em có thêm những hiểu biết các sự kiện, nhân vật đáng nhớ trong lịch sử dân tộc. Chẳng hạn, đối với bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”, một trong những bộ sách lịch sử bằng tranh đầu tiên ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi do NXB Trẻ ấn hành, học sinh có thể tiếp cận lịch sử nước nhà xuyên suốt từ thời đồ đá, đồ đồng, vua Hùng dựng nước đến các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn cho đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Vừa qua, NXB Kim Đồng vừa cho ra mắt bộ truyện tranh “Hào kiệt đất phương Nam”, viết về những nhân vật đã gắn bó với lịch sử đất phương Nam như: Trương Định, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trung Trực, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tri Phương…

Có thể xem truyện tranh lịch sử Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường sách thiếu nhi thời gian qua không chỉ giải tỏa “cơn khát” truyện tranh trong nước, góp phần hạn chế sự “bành trướng” của truyện tranh nước ngoài mà còn có thể xem là một kênh bổ sung một lượng đáng kể kiến thức lịch sử đang bị thiếu hụt trầm trọng ở một bộ phận học sinh hiện nay. Không thể phủ nhận những tác động tích cực mang lại từ truyện tranh lịch sử. Tuy nhiên đã xuất hiện những “hạt sạn” về nội dung và hình thức trình bày trong một số cuốn truyện tranh lịch sử trên thị trường trong thời gian qua như: ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật chưa được trau chuốt, làm mất đi sự trong sáng vốn có của Tiếng Việt; hình ảnh, trang phục của nhân vật còn ảnh hướng nhiều của truyện tranh Nhật Bản, Hàn Quốc, làm mất đi tính dân tộc; cốt truyện mang “hơi thở” hiện đại, khi thì thái quá các yếu tố hài hước, gây phản cảm. Để chấm dứt tình trạng này, các nhà xuất bản cần thận trọng hơn trong khâu biên tập, thẩm định chất lượng của từng cuốn truyện tranh lịch sử trước khi in ấn và phát hành ra thị trường. Đây cũng là cách để giữ “thương hiệu” cho các nhà xuất bản đồng thời mang đến cho lớp độc giả nhỏ tuổi những ấn phẩm văn hóa có giá trị.

Bùi Minh Tuấn
(Nghệ An)

LTS Dân trí - Việc tổ chức in ấn và phát hành truyện tranh lịch sử là việc làm đáng hoan nghênh đối với các nhà xuất bản. Đấy là yếu tố tích cực bổ sung kiến thức và giúp cho lớp trẻ hào hứng hơn trong việc học môn lịch sử nước nhà.

Tuy nhiên việc làm này đòi hỏi sự đầu tư nhiều công sức và tâm huyết để vừa trung thành với các sự kiện và diễn biến lịch sử, lại vừa xây dựng được cốt truyện hấp dẫn với những nhân vật điển hình, thể hiện thành hình ảnh sinh động cùng những lời thoại và trang phục phù hợp với từng giai đoạn lịch sử...

Đây là mảng đề tài có nguồn tư liệu lịch sử rất phong phú cũng như đối tượng đọc khá rộng rãi, hy vọng truyện tranh lịch sử sẽ phát triển mạnh mẽ trên cơ sở rút kinh nghiệm cả mặt tốt và chưa tốt của  những tập truyện tranh lịch sử đã phát hành.

Câu lạc bộ Việt Sử Ca



Bạn đọc thân mến,

Tự hào thay! Trang sử Việt trải hơn 4.000 năm văn hiến đã ghi công biết bao vị anh hùng dân tộc vì tổ quốc mà lập nên công trạng thật vinh hiển. Bên cạnh đó, vô số các vị anh hùng đã có nhiều đóng góp rất to lớn nhưng lại hy sinh âm thầm chưa được chính sử ghi chép. Song công đức ấy đã được đưa vào huyền sử hoặc dân gian, nhân dân tạc trên bia đá, ghi vào thần phả, lập đền mếu thờ và đời đời truyền tụng. Trong số đó có những giai thoại thật hào hùng, lãng mạng đầy chất thơ. Chúng ta hãy trân trọng dâng lên những bông hoa tươi thắm làm đẹp thêm cho trang sử Việt.

Không nằm ngoài mục đích ấy, Câu lạc bộ Em Yêu Sử Việt ra đời nhằm tạo một “sân chơi học tập” hấp dẫn và bổ ích cho tất cả các bạn đọc gần xa. Vượt lên sự gò bó, giới hạn khô cứng của một “đề bài” trong học đường, sân chơi này khuyến khích các bạn tự do thể hiện tâm hồn yêu sử, lòng tôn kính các bậc anh hùng dân tộc (cả chính sử, huyền sử, dân gian) dưới mọi hình thức, mọi thể loại như : văn, thơ, truyện ngắn, truyện tranh, câu đối, đố vui,… Ban biên tập sẽ chọn lọc 03 “tác phẩm hay nhất” mỗi kỳ để đăng trên Chuyên trang CLB ở các tập kế tiếp của bộ truyện tranh Đại Việt Thần Võ.

Các bạn có bài đạt giải nhất, giải nhì sẽ nhận được 01 xuất học bổng khuyến học tương ứng 500.000 đồng, 300.000 đồng, giải ba sẽ nhận được một phần quà là 10 tập tiếp theo của bộ truyện. CLB Em Yêu Sử Việt mong muốn nhận được nhiều tác phẩm dự thi của bạn đọc.

Chúc các bạn vui khỏe và học tập thật giỏi!
Chủ nhiệm Câu lạc bộ

Ghi chú:
Mọi tác phẩm, bài viết dự thi gởi về địa chỉ mail : daivietthanvo@gmail.com
hoặc địa chỉ: Công ty Văn Hóa Phạm Gia
24C Bùi Đình Túy, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP.HCM

Y phục thời Lĩnh Nam

Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ


Trong khi khởi thảo viết bộ Anh hùng Lĩnh-nam vào ngày 10 tháng 3 năm Mậu-thân (1968), một những vấn đề làm thuật giả bận tâm là y phục thời đó ra sao? Điều này đưa tới việc tìm hiểu văn minh của người Việt trong buổi bình minh lịch sử. Đọc trong kho tàng văn hóa Việt-nam, không thấy thư tịch nào nói đến. Hỏi thăm những bậc thức giả, mười người thì đủ mười đều lắc đầu. Thảng hoặc có vị cho vài lời khuyên.

Một vị khuyên rằng:
- Nên theo y phục những năm trước đây, người ta cho các thiếu nữ trung học Trưng-vương, Gia-long tại Sài-gòn đóng vai hai bà Trưng vào ngày phụ nữ hay ngày giỗ vua Trưng.

Một vị khuyên:
- Cứ cho mặc áo dài, khăn đóng vành vàng, khoác ngoài lớp sa mỏng trắng, quần trắng, đi hài là được.
Đem ý kiến ấy hỏi một vị khác, lập tức vị này bác bỏ:
- Không được, như vậy là đầu gà đít vịt, chẳng ra thể thống gì. Bởi chiếc áo dài đó phỏng theo áo Le Mur  mới chế vào thập niên 1930, rồi biến hóa đi. Khi áo Le Mur vào đến Huế. Lại có màn tân cổ giao duyên, thêm chiếc khăn với cái áo choàng ngoài. Y phục ấy đâu phải y phục thời Trưng Vương. Quần đó là quần  tân thời , không phải của người Việt xưa.

Một vị khác khuyên :
- Bà Trưng quê ở Bắc-ninh, Sơn-tây, chắc  hồi ấy mặc quần đen, áo búi que, đầu đội khăn vuông mỏ quạ như con gái Bắc-ninh đầu thế kỷ này.
Lập tức vị khác nhăn mặt :
- Bậy ! Phụ nữ Việt-nam mặc quần, mới chỉ có từ thời Nguyễn. Trước kia các cụ bà mặc váy. Trong văn chương bình dân chẳng từng có câu :
Tháng tám có chiếu vua ra,
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì ăn cướp quần chồng sao đang!

Như vậy từ triều Nguyễn về trước đàn ông mặc quần, đàn bà mặc váy. Loại váy này cho đến năm 1947-1948 ở nông thôn vẫn còn tồn tại. Còn áo dài ư ? Từ triều Nguyễn về trước phụ nữ Việt-nam mặc áo tứ thân, thắt khăn vòng qua bụng nút ở ngang hông. Gái chưa chồng thì nút ở bên phải. Gái có chồng thì nút ở bên trái.

Đại loại những ý kiến như thế được đưa ra. Nhưng không ý kiến nào có luận cứ vững chắc. Có vị khuyên :
- Anh viết tiểu thuyết như vẽ ma, vẽ quỷ, muốn tả y phục thời ấy như thế nào mà chả được.
Ý kiến này gia nghiêm gạt thẳng :
- Lịch đại văn học Việt-nam, chưa có vị nào chịu bỏ thì giờ, chịu bỏ cả đời viết tiểu thuyết lịch sử trường thiên. Nay con là người đầu tiên viết. Con viết vì muốn làm sáng tỏ hào khí dân tộc. Con viết vì muốn trả nợ tổ tiên. Ông kỳ vọng vào con. Bố kỳ vọng vào con. Con phải học hỏi những gì của người đi trước. Tại sao bộ Tam quốc chí của La Quán Trung lại thành công hơn các bộ  Phong thần  Đông-Chu liệt quốc, Tây-Hán, Đông-Hán, Thuyết-Đường, Chinh-Đông, Chinh-Tây ? Một là văn La  diệu  hơn văn các vị kia. Hai là La đi sát với lịch-sử, đi sát với sự thực, nên được tin tưởng hơn. Gần đây, Kim-Dung thâu thái của cổ nhân, thêm vào nghệ thuật Tây-phương mà thành công. Kim-Dung chỉ đặt tác phẩm vào hoàn cảnh lịch sử, mà không viết tiểu thuyết lịch sử. Con đi sau tất cả bằng ấy người. Con có kiến thức Trung-quốc ngang với họ, con lại có kiến thức Tây-phương sâu xa. Con hơn họ ở điểm con được luyện võ từ nhỏ, nay đến trình độ đáng kể. Con hơn hẳn họ ở điểm con học tới trình độ cao nhất của y học Đông lẫn Tây. Con cần viết sao cho tác phẩm không đi đến chỗ quá đáng như ma trâu đầu rắn. Con nhớ rằng một lời con viết là Trưng-Vương nói, Hưng-Đạo vương nói. Tuyệt đối không nên, không thể bịa đặt quá đáng. Không tìm ra y phục thời vua Trưng chắc chắn, thì tìm lấy một nét có thể bấu víu được, là quần áo các bà hầu bóng Ngài. Hay hãy tìm trong y phục cổ Việt-nam, lấy một loại quần áo cổ điển nhất, rồi  phong  cho làm y phục thời vua Trưng là được rồi, việc gì phải quá câu nệ .

Thói thường của thuật giả, là khi gặp vấn đề nan giải là tắm rửa sạch sẽ, đến trước bảo điện đọc kinh Bát-nhã, rồi nhập thiền. Sau khi Thiền nhắm mắt tưởng tượng. Trong tưởng tượng đó thấy gì hiện ra thì tùy nghi giải quyết. Bởi vậy đối với y phục thời Lĩnh-nam thuật giả nhập Thiền ba lần đều thấy vua Trưng mặc một thứ y phục rất khác lạ với y phục Trung-quốc và Việt-nam, nhưng lại rất quen thuộc.

Trong dịp giỗ vua Trưng năm 1969, thuật giả chở mẫu thân đi giúp bà bạn hầu  bóng  hay nói nôm na là  lên đồng  vua Trưng. Khi bà mặc quần áo về  đồng  uy nghi mà đẹp vô cùng. Thuật giả mới bừng tỉnh :  Mình đáng chết thực, thì ra từ nhỏ mình đã thấy hình bóng, y phục vua Trưng qua các bà đồng, cho nên trong lúc nhập thiền, y phục đó hiện lên.

Kỷ niệm về thời thơ ấu sống lại mãnh liệt. Đền thờ hai Bà bao giờ cũng có tượng, trong tư thế ngồi bệ vệ, quần áo rực rỡ, đầu đội khăn. Tượng đặt phía sau màn. Chỉ quan khách đặt biệt mới được phép mở màn chiêm ngưỡng tượng hai Bà. Hai bên bệ thờ còn có tượng của mười hai nữ đại công thần, đẹp đẽ trong các bộ quần áo đủ màu, đầu đội khăn.

Hồi ấy cứ đến ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch, tại các đền thờ vua Trưng, ban trị sự đền tổ chức lễ tắm tượng, để chuẩn bị cho ngày Thánh hóa. Lễ tắm tượng được tổ chức theo nghi lễ cổ truyền như sau :

Công việc tắm tượng được trao cho một cụ bà đạo cao đức trọng. Trước ngày tắm tượng, bà phải trai giới ba ngày, tắm rửa sạch sẽ. Sáng ngày 6 tháng 2, bà mặc áo dài đỏ cùng với ba đồng nam, ba thiếu nữ, bưng nước ngũ vị hương, dùng lụa mới tắm tượng. Năm 11 tuổi, thuật giả cũng được hưởng ân huệ bưng nước ngũ vị tắm tượng vua Trưng cùng mười hai nữ đại công thần. Vì vậy được thấy tường tận y phục các ngài. Y phục đó giống hệt y phục các bà  đồng mặc, khi vào giá vua Trưng.

Đặt vấn đề ai đã may quần áo  mặc vào tượng vua Trưng, cùng mười hai nữ đại công thần ? Người may đã căn cứ vào đâu để may các loại y phục như vậy ? Một lần thuật giả đem vấn đề đó đặt ra với các vị trưởng thượng. Các vị đó đều cho ý kiến. Nhưng ý kiến của giáo sư Nguyễn Đăng Thục có tính chất trung dung nhất, thuật giả xin ghi lại :

-  Sau khi bà Trưng nhảy xuống sông Hát-giang tự tử, mười hai nữ đại công thần vị quốc vong thân. Người đương thời đã lập đền, tạc tượng thờ. Dĩ nhiên họ phải may quần áo giống như hồi sinh tiền các ngài đã mặc. Đền thờ sau này tuy có trùng tu, xây mới. Nhưng không ai có can đảm may loại y phục khác với y phục trên tượng các ngài. Vì, vậy y phục trên tượng các ngài là y phục thời Lĩnh-nam. Còn các bà  đồng  khi bà hầu  bóng, bao giờ cũng may y phục giống như y phục mặc trên tượng. Kết lại y phục trên tượng hai bà Trưng và mười hai nữ đại công thần được coi là đúng nhất so với y phục phụ nữ hồi đầu thế kỷ thứ nhất.

Thế là thuật giả căn cứ y phục trên tượng vua Trưng và mười hai nữ đại công thần mà tả y phục phụ nữ thời Lĩnh-nam. Nhưng chỉ tuân theo loại quần áo mà không theo màu sắc. Về mầu sắc, thì lại theo sử, hoặc theo các cuốn phổ lưu truyền. Như y phục bà Hoàng Thiều Hoa thường màu vàng. Y phục bà Hồ Đề theo người Mường, mầu tím. Y phục bà Phùng Vĩnh Hoa, mầu trắng v.v...

Về cờ của Lĩnh-nam với Hán, thời bấy giờ mang mầu gì ? Tìm mầu sắc cờ Hán, phải trở lại với bộ sử ký Tư-mã Thiên. Trong đoạn Lưu Bang luận bàn với Trương Lương nên dùng mầu gì. Trương Lương đưa ý kiến nên dùng mầu đỏ. Lưu Bang kinh ngạc, vì Hán ở phương Tây thuộc Kim. Mầu đỏ thuộc Hỏa. Hỏa khắc Kim, nếu dùng mầu đỏ chẳng hóa ra tự mình khắc hại mình ư ? Trương Lương giải thích rằng : Hán ở phương Tây thuộc Kim. Kim cần Hỏa mới luyện thành khí. Kim không Hỏa thì không thành. Vì vậy ta mới dùng cờ màu đỏ. Khi vua Quang-Vũ nhà Hán phất cờ trung hưng, nối tiếp sự nghiệp tổ tiên, vẫn dùng cờ đỏ.

Còn cờ Lĩnh-nam ? Không một bộ sách nào ghi lại. Chúng tôi tạm theo cờ của đền thờ vua Trưng. Nền màu vàng, viền ngoài đỏ và tua màu xanh. Theo cuốn phổ của đền thờ Giao-long nữ ở Hổ-môn, Quảng-tây tả trận Lãng-bạc :  Thủy quân Hán bại bỏ chạy, từ xa, hễ thấy thuyền nào kéo cờ vàng, tưởng là thuyền Lĩnh-Nam, buông vũ khí trốn chạy. Vì vậy trong toàn cuộc khởi nghĩa vua Trưng, tôi tả cờ Lĩnh-nam màu vàng.

Từ đấy thuật giả cặm cụi viết và vấn đề y phục thời Lĩnh-nam không nhắc đến nữa. Bẵng đi hai mươi năm không đem ra bàn cãi. Cho đến năm 1986, khi trao bản thảo bộ Anh hùng Lĩnh-nam cho nhà xuất bản Nam-á. Vấn đề y phục của vua Trưng lại được đặt ra. Anh Mai Trung giám đốc nhà xuất bản Nam-á muốn chọn một trong các bức danh họa đã có sẵn về vua Bà, làm bìa. Thuật giả nghiên cứu trong bốn mươi bức tranh vẽ cũng như sơn mài làm trước và sau 1975. Trong hơn bốn mươi bức đó, y phục hai Bà chia làm ba loại khác nhau :

- Loại thứ nhất, phỏng theo y phục các thiếu nữ mặc, khi đóng vai hai Bà Trưng trong ngày lễ phụ nữ vào khoảng 1956-1963. Trong đó có bức tranh của họa sĩ Phạm Hoàng, đã được chọn để làm bìa cho bộ  Anh hùng Lĩnh-nam.
- Loại thứ hai quần trắng, áo dài  Le Mur mầu vàng. Không thắt lưng, ngoài choàng một lớp sa mỏng mầu trắng. Chân đi hài đầu đội khăn vành.
- Loại thứ ba ngoài chít khăn mầu, quấn ngoài một giải khăn, để xõa xuống lưng. Áo dài hơi giống áo tứ thân, cổ choàng khăn, phủ xuống đến vai. Ngang lưng quấn khăn, nút sang một bên hông. Vua Trưng thì nút ở bên trái, bà Trưng Nhị thì nút ở bên phải, quần hơi giống quần phụ nữ ngày nay. Chân đi giày, lưng đeo kiếm.
Sở dĩ chúng tôi chọn tranh của Phạm Hoàng làm bìa, vì biết chắc rằng hồi quyết định y phục cho các thiếu nữ trường Trưng-Vương, Gia-Long đóng vai Hai Bà, ban tổ chức có tham khảo ý kiến của ban trị sự hội tôn kính Trưng-Vương. Trong hội này có rất nhiều  lính  hay  ghế  của hai Bà. Sau khi bàn đi tính lại, dung hòa ý kiến, ban tổ chức đưa ra y phục trên, hơi giống y phục của tượng hai Bà, sau đó canh tân đôi chút.

Một lý do nữa khiến chúng tôi chọn tranh ấy, vì trước mắt dân chúng Việt Nam, dù muốn, dù không y phục đó đã thành quen rồi. Tiểu thuyết khác với lịch sử. Sử cần đúng, cần thực chính xác. Tiểu thuyết cần quen với quần chúng. Khi loại y phục đó quen với quần chúng, thì tự nó đã thành tiểu thuyết rồi.

Có thân hữu nêu ý kiến, nên cho người về Việt Nam chụp hình đền thờ vua Trưng ở quận Hai Bà Trưng ở Hà-nội, hoặc chụp hình hai Bà trong đền để làm hình bìa. Điều này không ổn. Dĩ nhiên khi nhờ phải nhờ Việt-kiều về thăm Hà-nội chụp. Lỡ việc này bị lộ ra ngoài rằng về để chụp cho nhà xuất bản Nam-á, thì người chụp hình khó tránh khỏi bản án tử hình với cái mũ CIA hay Việt gian. Vì vậy dự tính này không thực hiện.

Đến đầu năm 1988, giữa anh Mai Trung và thuật giả có bàn luận về việc chia cuộc khởi nghĩa của vua Trưng ra làm ba đoạn. Giai đoạn một vẫn để nguyên tên là  Anh hùng Lĩnh-nam  từ quyển một đến quyển bốn. Giai đoạn hai từ quyển năm đến quyển bẩy, đặt tên là  Động-đình hồ ngoại-sử . Giai đoạn ba, từ quyển tám đến quyển mười  đặt tên là  Cẩm-khê di hận. Khi quyết định như vậy, đương nhiên hình bìa phải thay đổi. Hình bìa bộ  Động-đình hồ ngoại sử  phải nhờ họa sĩ Phạm Đình Tín vẽ. Khi họa sĩ vẽ xong, thuật giả xem y phục của bà Phật-Nguyệt đứng trên chiếm hạm, thấy giống hoàn toàn y phục của các bà mặc khi hầu bóng Trưng-Vương. Thuật giả có hỏi họa sĩ Tín về lý do nào mà ông vẽ y phục như vậy ? Ông nháy mắt rồi cười tủm tỉm trả lời :
- A...à thì tôi đã thấy nhiều lần rồi.

Thuật giả hiểu trong cuộc đời gần bảy mươi năm của ông. Ông đã từng được xem lên đồng, các giá về vua Trưng, Hoàng Thiều-Hoa, Trần Quốc, cho nên ông vẽ giống như y phục ấy.

Ngày 20 tháng 12 năm 1989, thuật giả có công tác y học phải đi Vân-nam. Khác với những lần trước, muốn đi Vân-nam phải đến Bắc-kinh, rồi đổi máy bay đi Côn-minh. Lần này có đường bay mới từ Vọng-các đi thẳng Vân-nam. Thuật giả tới Vọng-các rồi đổi máy bay đi Côn-minh. Vừa đi vừa về giảm đường bay được 12.000 cây số, thành ra thời gian công tác dư được năm ngày. Các bạn đồng hành lập tức trở về Vọng-các tắm hơi, hoặc vào nhà hàng  No hands  để được các cô gái Thái xinh đẹp đút cơm, mớm thức ăn cho. Thuật giả thì lợi dụng thời gian đó đi Ngô-châu, Liễu-châu thuộc Quảng-tây và Quảng-châu thuộc Quảng-đông. Tại các bảo tàng viện di tích văn hóa cổ ở đây, thuật giả tìm được nhiều ánh sáng về y phục thời vua Trưng.

Trong bốn bảo tàng viện Côn-minh, Ngô-châu, Liễu-châu và Quảng-châu, các công trình khai quật những ngôi mộ cổ, cũng như tranh khắc ở các thạch động, trống đồng vào thế kỷ thứ nhất, cung cấp cho thuật giả nhiều chi tiết quan trọng về y phục thế kỷ thứ nhất. Dưới đây thuật giả trình bày các hình chụp các y phục vào thời vua Trưng và thời Đông-Hán.

- Lạc-dương , kinh đô nhà Đông-Hán.
- Liêu-đông, vùng phía Đông Trung-quốc.
- Vân-nam, Quảng-tây, Quảng-đông, lãnh thổ Lĩnh-nam.

Qua các hình cho ta thấy y phục ba tỉnh thuộc lãnh thổ Lĩnh-nam hoàn toàn khác biệt với y phục thuộc lĩnh thổ Hán. Khác biệt đến độ gần như hoàn toàn. Mà y phục đó giống y như y phục trên tượng vua Trưng, cũng như các bà lên đồng mặc khi hầu giá các anh hùng thời Lĩnh-nam.

Thuật giả không chép sử, không thể và không bao giờ có hy vọng viết sử. Thuật giả chỉ viết tiểu thuyết lịch sử. Tiểu thuyết tha hồ phóng túng. Dưới ngòi bút của La Quán-Trung, Ngụy Võ-đế Tào Tháo đang là một anh hùng, đang là một thi sĩ đáng yêu trở thành một thứ gian hùng. Quan Vũ đang là một tên vũ phu thô lỗ, trở thành một đại anh hùng, trung nghĩa thiên thu. Thuật giả không viết theo lối đó. Ngược lại theo sát lịch sử. Tuy y phục thời Lĩnh-nam không phải là yếu tố quan trọng, nhưng khi tả các ngài cũng không thể cho các ngài mặc quần đen, đội khăn vuông mỏ quạ như vậy chẳng khác gì cho các ngài mặc quần jean, nhảy disco. Tuy nhiên nếu muốn cho vua Trưng mặc váy, áo búi que, đầu chít khăn vuông mỏ quạ như các cô gái Bắc-ninh hồi trước 1945, trong giai đoạn đầu các cuộc khởi nghĩa thì cũng còn có thể cãi được rằng : Khi bà Trưng mới khởi nghĩa, bà mặc quần áo giống như thôn nữ, để hòa đồng với mọi người thì cũng được. Mấy năm trước đây, một phong trào tranh đấu ở hải ngoại, đã cho cờ của quân Tây-sơn mầu vàng. Vua Quang-Trung thì mặc giáp trụ giống như giáp trụ của Tôn Sĩ-Nghị. Rồi phong trào ra nghiêm lệnh, cấm dùng bất cứ cờ nào khác. Hôm làm lễ ra mắt phong trào, có mấy đứa trẻ con hơn mười tuổi tham dự, chúng cãi rằng cờ của vua Quang-Trung mầu  đào  và ngài mặc quần áo nâu sồng như trai thôn quê, vì căn cứ vào bài  Ai tư vãn  của công chúa Ngọc-Hân sau khi được phong Hoàng-hậu, khóc ngài :
Mà nay áo vải cờ đào,
Thay vì người ta giải thích cho chúng, thì lại xua đuổi chúng ra, bảo chúng là Việt cộng con. Buồn thực :
Viết tại Paris ngày giỗ thứ 1947 vua Trưng (1990).

Trích Phụ lục bộ Anh Hùng Lĩnh Nam

Cảm khái (nhân đọc bộ Anh Hùng Lĩnh Nam)

Duyên Anh

Thiếu thời, ta ít học, vì lỡ đầu thai làm con nhà nghèo. Lại gặp buổi loạn ly nên ta lận đận mưu sinh từ tấm bé. Khi người dùi mài kinh sử thì ta bận bịu kiếm cơm. Chữ nghĩa cổ nhân ta chẳng rành, mà chỉ rõ bờ đó, vó tôm. Điển tích cổ nhân ta không hiểu mà chỉ biết ống lươn, rọ cá. Lớn khôn ta làm cuộc phiêu lưu vô định, học từ nỗi đau khổ trong trường đời, học từ niềm cô đơn trên dòng sống. Hằng thấy thiên hạ vinh tôn tư tưởng Trung Quốc, suy tụng văn chương họ Thi, họ La (1), mới dành thì giờ nghiền ngẫm. Riết rồi thành thứ mọt sách huênh hoang, mở miệng là sĩ khí của Điền Tử Phương, Nhan Súc (2). Cầm bút là văn viện Đông Chu, Tam Quốc, Thủy Hử. Hễ bàn về trời đất bao la thiếu chỗ đứng cho một con người nghĩa hiệp thì y rằng Kiều Phong (3). Nếu luận tới kẻ bơ vơ giữa chánh tà thì phang liền Lệnh Hồ Xung (4). Nói đến tên ngụy quân tử thì nhắm Nhạc Bất Quần (5). Thích anh chàng mê gái vội vàng nêu Đoàn Dự (6). Dẫn chứng cả nhân vật, triết lý kiếm hiệp Kim Dung mà phô bày kiến thức. Nghĩ cũng bẽ bàng.

Ấy là bởi chính sử của Đại Nam ta bác học khô khan, ngoại sử cũng bác học khô khan, và dã sử thì khan hiếm. Hầu như ta thiếu hẳn những pho tiểu thuyết bám sát lịch sử như Đông Châu Liệt Quốc, bám sát lịch sử như Tam Quốc Chí và dựa vào bối cảnh lịch sử như Thủy Hử. Nghệ thuật của La Quán Trung , của Thi Nại Am đã biến những tay thảo khấu thành anh hùng, những tay lờ mờ trong chính sử thành bậc thánh. Người đọc cứ ngỡ Võ Tòng làm, Võ Tòng nói, cứ ngỡ Quan Công nói, Quan Công làm. Nên hào khí bốc lên chín tầng mây là hào khí Lâm Xung, trượng phu của trượng phu là Triệu Tử Long vậy. Ta có Đại Nam quốc sử diễn ca, có Nam Hải dị nhân nhưng mà chưa mênh mông bát ngát. Đến những tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai như Cái Hột Mận, Ai lên phố Cát…vẫn khó tìm ra cái hấp dẫn để nhớ, để viện dẫn khi cần viện dẫn. Nhân vật đã chẳng nhiều, con đường đi lại ngắn, cảnh trí bình thường và thiếu hẳn những cái sáng tạo cho thời, cho thế, cho người, cho đời. Bởi thế tiểu thuyết lịch cử của ta hụt hòi, vắng bóng thần tượng, để đời sau còn thuộc tên tuổi, nhớ hành động, ghi dạ những lời nói bất hủ.

La Quán Trung đã thành công, Thi Nại Am đã thành công, Kim Dung đã thành công. Ta không có cái sử của ta, mà còn giành lấy cái của người đánh bóng tô son, thêu hoa, dệt gấm cho nghười. Ta lấy làm băn khoăn và đau đớn lắm. Hạ bán niên Bính Dần (7) bạn đến thăm, tặng ta một vò Bồ Đào Tửu. Nhân thở than chuyện thiếu hẳn những pho tiểu thuyết ngàn trang, bạn bèn mở khăn cho ta xem pho Anh Hùng Lĩnh Nam dầy cộm, bảo ta chịu khó đọc. Ta bèn đọc. Mới vỡ lẽ rằng, võ nghệ và tư tưởng Lĩnh Nam ta hơn hẳn Trung Quốc. « Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta ».

Bộ truyện viết về cuộc dấy binh khởi nghĩa của Trưng Nữ Vương. Ta đã đọc Đông Hán Chí thấy Mã Viện là gã tướng phi thường, hạ bất cứ tướng tài nào của Vương Mãng không đầy nửa hiệp. Vậy mà đụng bà Trưng Trắc, Mã Viện đánh quá sáu hiệp. Nhưng đó là truyện Tàu viết sai sự thật. Trần Đại Sỹ để viết Anh Hùng Lĩnh Nam đã sang Trung Quốc, vào khắp các thư viện Bắc Kinh, Thượng Hải tìm đọc tất cả sử sách ghi chép từ thủa Triệu Đà cướp nước của An Dương Vương. Trần hiền hữu còn qua cả Đông Kinh nghiên cứu những cuốn sử Tàu mà Nhật Bản cướp đem về Nhật. Nhân đó, Trần hiền Hữu khám phá ra những pho sử viết từ thời Lĩnh Nam của các sử gia ta bị Mã Viện khuân về.

Ta say mê đọc, lòng chan chứa cảm xúc. Võ nghệ và tư tưởng ta xuất chúng thì mới giữ được nước khỏi bị đồng hóa bởi Trung Quốc hiếu chiến mạnh gấp triệu lần. Cứ ngẫm chuyện Lý Thường Kiệt phá Tống, Trần Hưng Đạo bình Mông. Lê Lợi dẹp đuổi Minh, Quang Trung đánh tan Mãn là đã đủ tự hào khẳng định rằng ta không thua Trung Quốc, không thua bất cứ ai. Anh Hùng Lĩnh Nam, tiền nhân hai ngàn năm cũ, mưu sự diệt Hán và diệt Hán đã khắc lên vách núi hai chữ Bất Khuất rạng ngời. Trong lịch sử nhân loại không có cuộc khởi nghĩa nào vĩ đại hơn. Ta mới thấy hào kiệt thủa trước bệ vệ vô cùng. Đi cứu nước, thân xác như Rồng, tâm hồn như Tiên., mỗi lời, mỗi việc đềm mang cái dáng dấp nhân sinh quan Văn Lang, vuông tròn từ đầu đến cuối, chung thủy đến hơi thở cuối cùng. Cốt cách của tiền nhân ta đã sống lại, hừng hực khí thế khi chiến đấu, thoang thoảng trầm tư lúc thái bình. Trần hiền hữu quả là y sĩ tài năng đã giải phẫu tim phổi ta, lấy hết cái băn khoăn và nỗi đau đớn trong ta ra mà đốt bỏ. Trần hiền hữu đưa ta đi thăm giang sơn gấm vóc Lĩnh Nam, cho ta thưởng thức những món ăn thuần túy dân tộc. Ta đọc bỗng quên La Quán Trung, Thi Nại Am, Kim Dung. Lòng tự ái dân tộc của ta đã được thỏa mãn. Từ nay ta đã có anh hùng Lĩnh Nam tôn thờ, dẹp bỏ ba gã Hán tặc Lưu Bị, Trương Phi, Quan Công ; ta đã có những lời, những việc bất hủ để dùng làm văn kiện, khỏi dựa vào nhân vật tiểu thuyết Trung Quốc.

Bèn cảm khái mà viết những dòng này
Đồng Nai Tư Mã
DUYÊN ANH
Ba Lê, dạ bán trừ tịch, Đinh Mão niên (1987)

Chú giải :
(1) Họ Thi họ La,
Thi để chỉ Thi Nại Am, tác giả bộ tiểu thuyết chương hồi Thủy Hử. Nội dung bộ Thủy Hử có 120 hồi, thuật truyện 105 anh hùng thảo khấu, nhân vua thì hôn ám, quan lại tham nhũng, xã hội đầy bất công. Họ họp nhau kéo cao cờ thay trời hành đạo (Thế thiên hành đạo). Bộ tiểu thuyết có sức hấp dẫn quần chúng. Đến đời Thanh, nhân Trung quốc bị Mãn Thanh cai trị, hào kiệt Hán thường tụ họp nhau theo mô thức Thủy Hử chống triều đình. Vua Khang Hy ban chỉ cho văn thần viết lại bộ Thủy Hử:
 

- Vẫn giữ nguyên cốt truyện, nhân vật, nhưng sửa đổi văn phong bớt khích động.
- Viết thêm mấy hồi: tạo ra một nhân vật nữ Tần Lệ Khanh là học trò tiên, bắt hết 105 anh hùng Lương sơn bạc, đem về chém đầu.
Sau đó cho khắc bản in, phổ biến. Kết quả ngoài sự tưởng tượng: phong trào tụ tập theo mô thức Lương sơn bạc chìm hẳn xuống, rồi tắt hẳn.
 

Thế kỷ thứ 19, bộ này truyền sang Việt Nam, nhưng bằng Hán văn. Quần chúng Việt Nam ít người đủ chữ đọc. Sang đầu thế kỷ thứ 20, bộ này được dịch sang chữ Quốc ngữ. Người Việt thi nhau đọc rồi tin rằng những nhân vật trong Thủy Hử là thực, có một vài tôn giáo còn thờ cúng các hảo hán Lương sơn bạc. Một số thầy cúng còn bầy ra cầu đảo các nhân vật tưởng tượng này để mong cứu khốn phò nguy. Họ La, để chỉ La Quán Trung, một nhà văn Trung quốc, đã dựa theo bộ chính sử Tam Quốc Trí của Trần Thọ, viết ra bộ chương hồi tiểu thuyết Tam Quốc Chí diễn nghĩa. Bộ này lưu truyền rất rộng. Tại Việt Nam có ba bản dịch nổi tiếng. Một là của Phan Kế Bính. Hai là của Đoàn Trung Còn. Ba là của Tử Vi Lang.

(2) Điền Tử Phương, Nhan Súc, hai nhân vật có thực, sống vào thời Xuân thu (770- 476 tcn), Chiến quốc (475 – 221 tcn)

(3) Kiều Phong, nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung trong bộ Lục Mạch Thần Kiếm.

(4) Lệnh Hồ Xung, nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung, trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ.

(5) Nhạc Bất Quần, nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ.

(6) Đoàn Dự, nhân vật tiểu tuyết của Kim Dung trong bộ Thiên Long Bát Bộ, Lục Mạch Thần Kiếm.

(7) Bính Dần, tức năm 1986.

Trích Phụ lục bộ Anh Hùng Lĩnh Nam

Phi Lộ 3 ... (Truyện tranh về nguồn Việt Nam)

Rất có thể sẽ ít người Việt biết tới các câu như “đa nghi như Tào Tháo”, “xấu như Chung Vô Diệm”, “đẹp như Tây Thi”, “nóng như Trương Phi” v.v … nếu như Trung Hoa không có tác phẩm văn học sử như “Tam Quốc Chí” – hay đúng hơn, nếu như bộ “Tam Quốc Chí” hoặc các tiểu thuyết lịch sử khác (Đông Chu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng, Tiết Nhơn Quý, Phàn Lê Huê v.v.) không được người Việt cho phép thâm nhập quá sâu vào cuộc sống của mình.

Rất có thể sẽ ít người dùng các câu nói không chút gì là Việt nam như “bảo trọng”, “con bà nó”, “đồ con rùa” hoặc các kiểu thời trang bớt lai căng nếu như các bộ phim Hồng Kong, Đài Loan, Đại Hàn không ồ ạt tràn vào thống lĩnh mọi nơi: báo chí, rạp phim, đài truyền hình, âm nhạc và cả truyện tranh.

Trung Hoa tự hào về 4 “đại tác phẩm”: Tam Quốc Chí, Tây Du Ký, Thủy Hử và Hồng Lâu Mộng. Vâng, xét ở mặt văn học nghệ thuật thì quả nhiên đó là những tác phẩm có giá trị cao. Rất nhiều tình tiết trong Tam Quốc Chí và Thủy Hử hẳn nhiên là hư cấu, là dựa vào lịch sử chứ không hoàn toàn xảy ra trong lịch sử. Thế nhưng chính vì nhờ có những tác phẩm văn học như vậy mà đại đa số người dân – dù là người học ít, dù là người không thích đọc sử - vẫn biết đến … lịch sử .. Trung Hoa. Trong những kỳ đô hộ, xâm chiếm đất nước ta, văn hóa, sách vở Việt nam bị hủy diệt bởi Hán triều và thay vào đó là sách vở, văn hóa của đại Hán mà mức phổ thông đến nỗi các văn chương từ xưa đến nay của Việt nam hầu như sử dụng rất nhiều điển tích từ sử Trung Hoa, truyện Trung Hoa. Nối tiếp sách vở là tuồng hát trên sân khấu. Có quá nhiều vở tuồng của các bộ môn hát bội, cải lương v.v. đã dựa hay dùng văn học / sử tích của Trung Hoa. Người dân lại càng biết nhiều về Trung Hoa. Ở thời hiện đại, các tác phẩm đó còn được dựng thành phim – không chỉ một lần mà nhiều lần, thì sức phổ biến càng mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn. Bây giờ thử hỏi thời đó ông Gia Cát Lượng ăn bận ra sao, ít ai trả lời được. Nhưng nếu hỏi ông Gia Cát Lượng là ai thì sẽ có không ít người nói trúng phóc: quân sư tài giỏi của Lưu Bị. Bây giờ thử hỏi thời đó Võ Tòng dùng binh khí gì, khôi giáp ra sao, ít ai trả lời đúng. Nhưng nếu hỏi có biết Võ Tòng không thì sẽ có không ít người đáp ngay: biết chứ! Võ Tòng đánh hổ, Võ Tòng sát tẩu chứ gì.

Ở Việt Nam lại còn cái thú … đọc truyện kiếm hiệp, bàn luận truyện Tàu. Nhà văn Kim Dung, Cổ Long đã thành công rực rỡ qua các pho truyện kiếm hiệp kỳ tình mà sức thu hút quá mãnh liệt, khiến cho không ít người có thể kể vanh vách và đầy háo hứng về Quách Tỉnh, Dương Quá, hay Trương Vô Kỵ v.v. mà lại không mấy hồ hởi khi nói tới Lục Vân Tiên. Làn sóng phim chưởng Hong Kong ở thập niên 80, rồi các bộ video game của Trung Hoa ồ ạt xâm nhập càng khiến cho giới trẻ rành rọt các nhân vật Trung Hoa hơn (bây giờ thì xoay sang chuộng phim Hàn Quốc) Các tiểu thuyết võ hiệp ấy đều là giả tưởng, dựa vào lịch sử. Ai đọc cũng biết điều ấy mà không cần một sử gia nào lên tiếng dạy dỗ. Nhưng khi đọc xong, người đọc lại có thể nắm bắt không ít nét đại cương về sử Trung Hoa (như điều gì xảy ra ở thời Tống, Minh, Nguyên, Thanh) về văn hóa, đất nước Trung Hoa (như địa danh Giang Nam, Hàn Châu, Tô Châu, Thiếu Lâm, Phật Sơn)

Đối với trẻ em phim họat hình, truyện tranh là một thế giới đầy sức thu hút. Trước khi Disney làm phim Mulan, trẻ em ở đây có lẽ chỉ biết tới “Chinese New Year” và “Dragon dance”. Khi phim Mulan dựa vào truyện Hoa Mộc Lan thành hình, hãng Disney đã tạo dựng thành công một nhân vật Trung Hoa được trẻ em yêu mến. Khi trẻ em đã yêu thích Mulan tự dưng chúng biết tới văn hóa, lịch sử Trung Hoa. Trước khi hãng Nickelodeon cho ra đời nhân vật Kailan trong phim “Ni-hao Kailan”, trẻ em tại đây đâu biết câu chào “ni-hao” đâu biết ngày “Chinese New Year” có những phong tục gì, thế mà bây giờ chúng không những biết mà còn có thể nói theo vài chữ Trung Hoa. Những người bạn ngoại quốc tại nơi tôi làm việc, phần đông không thích đọc sách sử nhưng ai cũng thích đi xem phim. Phim ảnh không chỉ là một phương tiện giải trí mà còn có thể dùng trong việc tuyên truyền. Đúng vậy. Các bạn Mỹ trong nhóm chuyên gia kỹ thuật của tôi trước kia vài năm thôi chẳng ai biết tới Kinh Kha, Khổng Minh, Hoắc Nguyên Giáp, Phương Thế Ngọc, Hoàng Phi Hùng … thế mà bây giờ nhờ các bộ phim “Hero”, “Red Cliff”, “Fearless”, “Once up on a time in China” .v.v. họ còn biết cả vùng đất Quảng Đông, biết cả chùa Thiếu Lâm Tự. Dĩ nhiên không cần sử gia tài giỏi nào chỉ ra cho họ biết đâu là tính hư cấu, đâu là sai lịch sử. Điều quan trọng mà tôi cho là thành công hơn là: các người Mỹ này qua việc xem phim đã biết thêm không nhiều thì ít đôi điều về đất nước Trung Hoa.

Vâng, xét về mặt văn học nghệ thuật, chúng ta không thể phủ nhận các bộ truyện Tàu, truyện chưởng, phim kiếm hiệp. Trước những tinh hoa, những điều hay của xứ người, chúng ta không giận chì, bỏ chày – dù phản đối chính sách đồng hóa của họ nhưng vẫn xác nhận giá trị của các tác phẩm ấy. Từ đó chúng ta tự đặt ra câu hỏi: tại sao chúng ta không làm được như thế? Hoặc tại sao chúng ta vẫn cam lòng sử dụng các sách vở, điển tích của người ta trong các sáng tác của chính mình? Chẳng phải một khi chúng ta còn tiếp tục dùng rộng rải như thế là chúng ta còn tiếp tay để quảng bá văn hóa xứ người và ngăn cản sự sáng tạo và phát triển của chính chúng ta?

Đây chính là một trong những trăn trở của anh em Viet Toon. Qua việc thực hiện các tranh vẽ này, chúng tôi chỉ muốn khơi lên các ý niệm ấy. Chúng tôi không đi làm công tác của một người biên khảo lịch sử. Dĩ nhiên không ai phủ nhận giá trị xác thực của lịch sử. Nhưng những chi tiết lịch sử chỉ được biết tới nếu có học, có nghiên cứu. Còn việc đưa các dữ kiện lịch sử trở nên quảng đại, phổ thông thì không thể phủ nhận sự đóng góp của các lãnh vực khác mà đứng đầu là phim ảnh, sách báo, và cả video game. Chưa chắn ghi chép vanh vách chuyện gì xảy ra vào thời Tam Quốc có thể thu hút được nhiều người bằng tiểu thuyết Tam Quốc Chí, và dẫu truyện Tam Quốc Chí cực hay vẫn không dễ dàng đến với đông đảo người xem mọi giới bằng bộ phim Xích Bích.

Viet Toon đơn giản chỉ là những người giúp cho món sử trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn, lôi cuốn, dễ nuốt. Làm sao mà thế hệ trẻ bị thu hút mà cầm lấy cuốn sách, tập tranh của chúng ta chứ không cầm tới cuốn sách Manga của Nhật hoặc cuốn truyện của Trung Hoa. Có cầm lấy rồi thì mới đọc. Có đọc mới hiểu biết, mới ghi nhớ. Có ghi nhớ thì mới có lưu truyền. Có lưu truyền mới có tự hào qua các thế hệ. Mặt khác, Viet Toon cũng mong khơi lên nhiều thật nhiều những sáng tác dựa vào lịch sử Việt Nam. Không chỉ ở văn học, mà còn ở sân khấu, điện ảnh và hội họa. Bớt dùng điển tích Trung Hoa, tạo dựng và dùng nhiều hơn điển tích của Việt Nam. Các họa sĩ đầu tư tâm huyết cho các tác phẩm hội họa qua các sử tích Việt Nam. Nếu có những bức vẽ về Troy khiến người thưởng lãm phải trầm trồ và tìm hiểu về Troy, thì làm sao chúng ta không thể có những bức vẽ tầm vóc tương xứng, miêu tả sử sách Việt Nam để thế giới biết thêm về Việt Nam. Các hãng sản xuất phim không chỉ tạo thêm nhiều phim lịch sử có phẩm chất cao mà trong phim nên có những đoạn chạy chữ vắn tắt nói về thời đại, sử liệu v.v. Càng có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, càng có sự phổ biến rộng rãi, thì càng dễ gieo vào các thế hệ mai sau lòng tự hào dân tộc. Cho nên Viet Toon sẽ cố gắng tranh cùng sức ảnh hưởng của Trung Hoa để phổ biến rộng rãi hơn văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. Hiện nay, nhờ những bức vẽ có sức thu hút này mà các bạn đồng nghiệp người Mỹ tò mò mới biết tới Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Triệu thị Trinh, Ngô Quyền, An Dương Vương v.v. Quan trọng hơn, họ nhìn ra rằng không chỉ có Trung Hoa mới có các nét văn hóa “phương Đông” ấy.

Nhưng một mình Viet Toon hoặc một mình văn sĩ, họa sĩ nào đó không đủ sức. Cái quan trọng là ý thức và sự yểm trợ mạnh mẽ của toàn dân. Nếu mỗi chúng ta biết đây là trách nhiệm của mình thì sẽ dốc lòng hướng dẫn con cháu, và người ngoại quốc hiểu biết thêm hơn về Việt Nam. Có được sự hưởng ứng và đồng tâm ấy thì ngỏ hầu mới tạo ra động lực khuyến khích sáng tác và thổi bùng lên cuộc cách mạng trong tư tưởng: Để mai sau, nếu có so sánh, thế hệ Việt Nam sẽ dùng các hình ảnh hoàn toàn Việt Nam “bất khuất như Trần Bình Trọng”, “tài trí như Nguyễn Trãi”, “đẹp như Kiều Nguyệt Nga” …

Sưu tầm từ Viet toon

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

NAM THIÊN ĐỆ NHẤT MỸ NHÂN

Giới thiệu tập 2: Nam thiên đệ nhất mỹ nhân

Song song với những câu chuyện phiêu lưu kỳ thú mang đậm tính võ hiệp là những cuộc tình lãng mạng, trong sáng và đầy thi vị. Họ có thể là người ở hai bên chiến tuyến bị người đời gièm pha như Trọng Thủy - Mỵ Châu, có thể là những người bạn đồng hành từ thuở còn “ở truồng tắm sông”, khi lớn lên cùng chinh chiến rồi cùng chết cho quê hương, đất nước.

Hoàng Thiều Hoa là tam đệ tử của Đào hầu, 18 tuổi, nhan sắc tuyệt trần. Trong các đệ tử Đào trang, nam có, nữ có, nhưng Đào Kỳ sủng ái nhất là tam sư tỷ. Bản tính Thiều Hoa ôn nhu văn nhã, học văn võ đều thành đạt, được cả sư phụ, sư mẫu thương yêu. Nàng nói gì Đào hầu cũng nghe, xin gì cũng cho. Mỗi khi Đào Kỳ nghịch ngợm, phá phách, nó bị cha la rầy, thì Thiều Hoa lại năn nỉ dùm. Riết rồi chị em thành thân mật.

Nghiêm Sơn xuất thân nghĩa hiệp, tuổi còn trẻ, khoảng 25-26, rất anh tuấn, võ công thuộc loại cao thủ vùng Quế Lâm. Chàng hiện là Bình Nam đại tướng quân, tước Lĩnh Nam công, uy quyền bao trùm toàn Lĩnh Nam. Nghiêm Sơn tự hào là anh hùng vô địch, từ khi sang Giao Chỉ đến giờ, chưa một người Hán, người Việt nào địch nổi y. Không ngờ trong đêm chàng gặp một thiếu nữ Việt tuyệt sắc, bắn mấy mũi tên, mà một mũi làm chàng suýt bỏ mạng.

Đôi trai tài, gái sắc ấy gặp nhau giữa trận chiến. Một bên là Hán ra sức cai trị vơ vét, một bên Việt đang quật cường đòi lại cố thổ. Chàng hiệp sĩ đa tình liệu có bỏ qua một bóng hồng tuyệt thế ? Ngược lại, nàng là một cô gái Việt yêu nước sâu sắc, được giáo dục kỹ lưỡng về cái hận vong quốc bởi người con gái Mỵ Châu khờ dại, Thiều Hoa có rơi vào bẫy tình của ông vua vùng Lĩnh Nam này chăng ?

Con Rồng Cháu Tiên

Giới thiệu tập 1: Con Rồng Cháu Tiên

Độc giả bộ Đại Việt Thần Võ sẽ đồng hành với cậu bé Đào Kỳ thông văn giỏi võ trên cuộc hành trình tìm bố mẹ bị thất lạc do âm mưu hãm hại của Thái thú Nhâm Diên. Với bản tính tinh nghịch của một cậu bé tuổi 13 nhưng dạt dào lòng yêu nước, can đảm và gan dạ, chàng đã gặp biết bao kỳ nhân dị sỹ đất Lĩnh Nam, khám phá những bí mật quốc gia đại sự, pho bí kiếp võ công Âu Lạc cùng những sự tích kỳ thú còn ghi dấu bản sắc văn hóa người Việt ta đến tận ngày nay.

Chúng ta cũng được khám phá một góc nhìn rất thú vị về những “sự tích” được truyền miệng trong dân gian hàng ngàn năm như câu chuyện về Mai An Tiêm làm lịch số, Phù Đổng Thiên Vương - Thánh Gióng - Tổ Sư phái Sài Sơn, Tản Viên Sơn Thánh - Sơn Tinh - Tổ Sư phái Tản Viên, Thánh Chèm - Lý Ông Trọng - Tổ Sư phái Long Biên và được xem là Tổ Sư của võ học Âu Lạc, Âu Lạc Thần Tiễn Cao Lỗ chế ra Linh quang kim trảo thần nỗ,…

Nữ vương Phật Nguyệt


Ở vùng Trường Sa - Hồ Động Đình, dân gian truyền tụng rằng :

"Ngày xưa Ngọc Hoàng thượng đế, một hôm ngự tại điện Linh tiêu. Có hai công chúa đứng hầu bên cạnh, lỡ tay đánh vỡ chung rượu bằng ngọc. Ngọc Hoàng thượng đế nổi lôi đình, truyền đày hai công chúa xuống hạ giới. Hai công chúa tuân lệnh đi đầu thai. Công chúa đầu thai được một ngày, thì Nam Tào, Bắc Đẩu giữ sổ tiên lại vào tâu rằng: Công chúa xuống đầu thai, có tới 162 vị tiên trung thành với công chúa, cùng đầu thai theo. Ngọc Hoàng thượng đế sợ rằng công chúa làm loạn hạ giới. Ngài bèn sai Thanh y đồng tử xuống thế, cùng với Nhị thập bát tú. Thanh y đồng tử đầu thai thành vua Quang Vũ nhà Hán. Nhị thập bát tú sau thành hai mươi tám vị tướng thời Đông Hán. Hai công chúa đầu thai làm con gái Lạc tướng họ Trưng. Công chúa mới sinh ra đã biết nói, có hương thơm đầy nhà. Lạc tướng đặt tên là chị là Trắc, em là Nhị. Trưng Trắc lớn lên có sức khỏe bạt sơn, cử đỉnh. Đến tuổi trưởng thành. Lạc tướng gả về cho họ Đặng, tên Thi Sách.
 
Thi Sách "mưu phản" bị thái thú Tô Định giết chết. Trưng Trắc nổi giận cùng em là Trưng Nhị, khởi binh "làm phản". Anh hùng các nơi gồm một trăm sáu mươi hai người nổi lên theo. Chỉ trong một tháng chiếm sáu mươi lăm thành trì. Các quận Nam hải, Quế lâm, Tượng quận, Cửu chân, Nhật nam, Giao chỉ đều bị chiếm. Trưng Trắc tự xưng làm vua, chiếm lĩnh nửa thiên hạ.


Vua Quang Vũ nhà Hán sai Phục ba tướng quân Mã Viện, suất lĩnh binh nghiêng nước đánh vua Bà. Vua bà sai nữ vương Phật Nguyệt dẫn quân từ Trường sa đến hồ Động đình đại chiến. Nữ vương Phật Nguyệt phép tắc vô cùng, hoá ra ba đầu, sáu tay. Một tay nhổ núi Thái sơn, một tay nhổ núi Nga mi, đánh chết trên một trăm vạn quân Hán. Xác người lấp kín hồ Động đình, sông Trường giang bị nghẹt.

Oán khí bốc lên đến trời. Ngọc Hoàng thượng đế vội truyền thiên binh, thiên tướng xuống giúp Mã Viện. Đánh nhau trong ba năm bất phân thắng bại. Các thiên binh, thiên tướng về Thiên đình tâu lại. Ngọc Hoàng thượng đế không biết làm sao, phải phái thần Du Liệt sang Tây phương cực lạc cầu cứu đức Phật Như Lai. Phật Như Lai bèn sai mười tám vị La Hán, năm trăm vị Kim Cương đến trợ chiến, cũng bị thua. Sau ngài nhờ Nam hải Quan Thế Âm đến hồ Động đình thuyết pháp. Nữ vương Phật Nguyệt giác ngộ, xin đi tu, thành Phật".

Phần I : Anh Hùng Lĩnh Nam

“Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”
(Đại Nam Quốc sử diễn ca)
Nội dung Phần I của Bộ truyện thuật cuộc đời và sự nghiệp của Vua Trưng và 162 vị tướng đã đánh đuổi giặc ngoại xâm dựng nên Triều đình Lĩnh Nam, khôi phục lãnh thổ nước Văn Lang xưa – Bắc tới hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn, Tây giáp Ba Thục, Đông giáp biển Đông Hải.

Bên cạnh đó, Bộ truyện cũng làm sống lại hầu hết các trận chiến kinh thiên động địa dưới tài cầm quân của 162 vị tướng, đặc biệt trong số ấy có đến 99 vị nữ tướng đại tài làm cho vua quan nhà Hán phải bao phen khiếp sợ. Đây chính là nét độc đáo của trang sử Việt mà có lẽ là duy nhất của nhân loại. Không có dân tộc nào trên thế giới sản sinh ra nhiều phụ nữ anh hùng như Việt Nam.

Có lẽ nhờ khí thiêng của vùng đất Đô kỳ và sự anh linh của chư vị liệt nữ anh hùng ứng hiện, ngày nay Mê Linh trở nên nổi tiếng là một làng hoa với những cánh đồng hoa bạt ngàn hồng đỏ, hồng trắng, cúc chi, cúc đại đóa, mimosa, thược dược, lay ơn, thạch thảo,... chẳng những làm đẹp thêm cho xóm làng mà còn tạo nên kỳ tích, làm kinh tế làng xã khá lên từng ngày.

Truyện tranh võ hiệp đặc sắc - đầu tiên của Việt Nam


Đại Việt Thần Võ thuật lại cuộc đời và sự nghiệp của các anh hùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử từ thời Vua Hùng đến Ba chiến công thần thánh dưới thời nhà Trần thắng quân Nguyên Mông – một quân đoàn hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Vó ngựa Mông Cổ đã chinh phục hơn 40 nước trên thế giới nhưng phải chịu dừng bước một cách “tâm phục khẩu phục” trước Đại Việt, một đất nước nhỏ bé với những con người hiền hòa chất phác nhưng được thấm đẫm trong dòng máu một tinh thần Võ Đạo siêu việt.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng. Một anh hùng dân tộc có thể là người thuộc dòng dõi Lạc hầu, Lạc tướng, vua quan, tướng lĩnh nhưng cũng có thể xuất thân là một cô bé, cậu bé chăn trâu, kéo cá hàng ngày nhưng tất cả đều cùng chung một ý chí “giặc tới nhà đàn bà cũng đánh!”. Chính tinh thần yêu nước đã viết lên trang sử Việt hào hùng.

Chúng ta đã nghe nhiều về những chiến công thần thánh ấy, nhưng có thể chưa biết Tổ tiên ta đã chiến thắng như thế nào ? Bằng võ công, binh pháp và mưu lược gì ? Đại Việt Thần Võ sẽ cố gắng chuyển tải nội dung tuyệt vời của Bộ Trường Thiên Tiểu Thuyết Lịch Sử Việt Nam bằng lối vẽ mộc mạc và ngôn từ súc tích. Các bạn độc giả khi đọc bộ truyện sẽ thấy như có mình trong đó và ra sức phấn đấu noi theo gương sáng của cha ông để xứng danh là Con Rồng Cháu Tiên.