Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

VĂN HÓA NÔNG NGHIỆP - VĂN MINH LÚA NƯỚC



Chắc hẳn các bạn ai cũng biết nước ta là một đất nước của nền văn hóa nông nghiệp. Thế các bạn có biết thành tựu rực rỡ nhất của NỀN VĂN HÓA NÔNG NGHIỆP là gì không? Đó chính là VĂN MINH LÚA NƯỚC đấy các bạn. Theo những nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học khảo cổ trên thế giới, VĂN MINH LÚA NƯỚC là nền văn minh lâu đời nhất đó. Cách đây khoảng hơn 10.000 năm, nền văn minh này đã xuất hiện ở vùng lưu vực sông Dương Tử (hay còn gọi là sông Trường Giang ở Trung Quốc hiện nay) trải dài xuống Đông Nam Á (tức lãnh thổ Bách Việt). Ông cha ta ngày xưa rất đáng khâm phục! Bởi ở nền VĂN MINH LÚA NƯỚC từ cách đây rất lâu, không có sự hỗ trợ của công nghệ, khoa học, ông cha ta đã đạt đến một trình độ cao về kỹ thuật canh tác lúa nước, thủy lợi, phát triển các công cụ lao động, vật nuôi, và cách tính thời gian vụ mùa (tức lịch số).
Không chỉ thế, để vun trồng và bảo vệ thành quả lao động, ông cha ta đã tìm hiểu về quy luật tự nhiên, các mối quan hệ giữa vũ trụ, vạn vật, và con người, và đúc kết chúng thành hệ thống những nguyên lý. Chẳng thế mà ông cha ta có câu “Trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm”. Lời dạy của ông cha ta ngày xưa dù trong thời nào vẫn đúng với một đất nước chủ yếu là nông nghiệp.

Cách tổng hợp, đúc kết đó chính là nền tảng để phát triển TƯ DUY TRIẾT LÝ CỦA NGƯỜI Á ĐÔNG – TƯ DUY TỔNG HỢP. Và những tiến bộ của nền văn minh lúa nước chính là cái nôi hình thành nên cộng đồng cư dân có lối sống định canh định cư, và các giá trị văn hóa làng xã còn tồn tại đến ngày nay. Đồng thời, đây chính là tiền đề cho sự ra đời của VĂN HÓA ĐÔNG SƠN, VĂN HÓA HÒA BÌNH…

Hệ thống những nguyên lý mà ông cha ta đúc kết được từ những quy luật tự nhiên chính là MINH NHO, người Việt Cổ gọi là VĂN HÓA HỒNG PHẠM hay VĂN HÓA VĂN LANG. Những nguyên lý THÁI NHẤT, ÂM DƯƠNG, CƯƠNG NHU, TAM TÀI, NGŨ HÀNH… đều thuộc hệ thống tư tưởng minh triết của NHO gốc đầu này.

Các bạn đã bắt đầu rối lên với những thông tin về nền văn minh lúa nước chưa nè? Có lẽ thông tin hơi khô khan, khó hiểu, nhưng các bạn đừng bỏ cuộc, bởi những bật mí sau đây sẽ cho các bạn những khám phá mới mẻ khá lý thú đấy.

Tại sao Ban biên tập lại đề cập đến nguyên lý ÂM DƯƠNG của MINH NHO ở đây nhỉ? Này nhé, nguyên lý ÂM DƯƠNG gắn kết rất mật thiết với NỀN VĂN MINH LÚA NƯỚC CỦA NƯỚC TA. Nói một cách cụ thể thì cây lúa nước hấp thụ đồng thời hai thuộc tính Âm – Dương là Thủy – Hỏa. Nửa thân trên của cây lúa hấp thụ Hỏa từ mặt trời, nửa thân dưới ngâm mình trong nước tức là hấp thụ Thủy. Hạt lúa là sự kết tinh đầy tinh hoa giữa Thủy – Hỏa, đã nuôi sống con người Á Đông hàng ngàn năm qua. Cây lúa mang tính mộc là đại diện cho sự thuần phác, hiền hậu, lành tính, nên con người chúng ta sinh ra ai cũng mang tính thiện.

Thêm một thông tin chứng minh nguyên lý ÂM DƯƠNG của MINH NHO có liên quan mật thiết với nền văn minh lúa nước cũng cực kỳ lý thú. Chắc hẳn các bạn ai cũng biết người Việt tôn thờ biểu hiệu Rồng và Chim như một sự ngưỡng vọng, thể hiện tính khai phóng, vượt thoát (chữ VIỆT có nghĩa là VƯỢT THẮNG đó các bạn). Gốc biểu hiệu này lấy từ huyền sử vua Lạc Long Quân là loài Rồng (đại diện cho Hỏa) lấy công chúa Âu Cơ (Tiên) thuộc loài chim (Thủy) đẻ ra một bọc trăm trứng (nên ĐỒNG BÀO = chung một bào thai; TỔ QUỐC (tổ chim) là xuất phát từ sự tích hình thành đất nước và dân tộc Việt). Sau đó, 50 con theo Âu Cơ lên núi (Thủy ở nơi dương), 50 con theo Long Quân xuống biển (Hỏa ở nơi âm). Phải chăng tổ tiên chúng ta đề cập đến nguyên lý ÂM DƯƠNG tương hỗ khắng khít nhau một cách tinh tế? Cũng chính từ gốc văn hóa này mà người Việt chúng ta về sau thường dùng những cặp từ ngữ sóng đôi mang hai thuộc tính âm dương như: sơn hà, xã tắc, nước non, sông núi, trời đất, vuông tròn…

Những tri thức đầu tiên về nền Văn minh lúa nước quả thật rất lý thú phải không các bạn? Mỗi kỳ, chúng ta sẽ từ từ khám phá những điều lý thú của Việt Sử Ca. Các bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Thân chào,

TÌM HIỂU CỘI NGUỒN VĂN HÓA DÂN TỘC

Các bạn độc giả trẻ có biết NHO GIÁO là gì không nhỉ?

Đời sống tinh thần của người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng đều ảnh hưởng bởi NHO GIÁO. Nho giáo không phải là một đạo giáo hay giáo phái mà là một sự đúc kết tư tưởng triết lý của nền VĂN HÓA NÔNG NGHIỆP. Người xưa gọi NHO là NHU tức “nhu yếu thâm sâu”, nghĩa là những nguyên lý căn nền phục vụ cho nhu cầu đời sống thực tiễn của con người như đói cần ăn, khát cần uống, lạnh cần mặc ấm, và ai cũng cần sự chia sẻ, quan tâm, chăm sóc… Người nào đáp ứng được tốt những nhu cầu này là thực hiện được đạo NHO! (người xưa thường dùng chữ ĐẠO, ý nói: đạo lý, chân lý). Nho chính là một nền tảng cốt lõi của Văn hóa dân tộc Việt vì hầu hết văn minh, thư tịch cổ điều được viết bằng ngôn ngữ và tinh thần của NHO GIÁO minh triết này.

Đến đời Xuân Thu Chiến Quốc, Khổng Tử người nước Lỗ (lúc bấy giờ Trung Quốc chưa hình thành) đã có công tổng hợp những nền tảng tư tưởng Nho giáo thành một hệ thống thư tịch (văn bản, viết thành sách) rõ ràng để giáo huấn con người tuân theo những chân lý đúng ấy. Đó là TỨ THƯ, NGŨ KINH. Ông còn nói rõ “thuật nhi bất tác” tức là ông chỉ viết lại, thuật lại chứ không sáng tác. Vì mức độ tác động đến toàn diện đời sống của con người (tinh thần và thể xác), rõ ràng công lao ấy quá to lớn nên người đời sau (các nước Á Đông) gọi ông là “Vạn thế sư biểu”, tức người thầy của muôn đời.

Khi Tần Thủy Hoàng thống nhất bảy nước và lấn xuống cả vùng đất phương Nam rộng lớn, ông đã rất tàn bạo và ra lệnh “đốt sách chôn Nho” (đốt hết thư tịch, giết những người đang theo học Nho giáo) nhằm tiêu diệt hết những giá trị văn hóa của các dân tộc khác, vì ông cho rằng còn văn hóa, còn chữ viết là dân còn đấu tranh giành quyền tự chủ. Chữ China có nguồn gốc từ đời này, vì China là phiên âm của chữ Tsin (Tần). Sau này, nước Việt ta vào thời nhà Hồ (1400-1407) cũng bị nhà Minh lấy đi hoặc tiêu hủy hết những giá trị di sản về vật chất lẫn tinh thần của người Việt, bắt hết những người tài, thợ giỏi đưa sang Trung Quốc (Hồ Nguyên Trừng - ông tổ đúc súng thần công Việt Nam, Nguyễn An - tổng công trình sư xây dựng thành Bắc Kinh,…).

Có lẽ vì tổ tiên người Lạc Việt ta (thuộc Bách Việt ở phía nam sông Dương Tử và núi Ngũ Lĩnh) đã biết trước có những biến cố (bị phá hủy) như vậy nên đã khéo léo chuyển những giá trị văn hóa đó vào trong những truyền thuyết, chuyện kể dân gian, truyền miệng hay những di vật (trống đồng) để người đời sau dù không còn thư tịch cũng có thể nhận ra. Chúng ta hãy thử tìm hiểu nhé!

Tìm hiểu Nho là tìm hiểu những khái niệm như Kinh Dịch, Âm Dương (thủy hỏa), Cương Nhu, Ngũ Hành… Bây giờ ta thử đọc lại truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân xem có phát hiện gì mới không:
Lạc Long Quân, tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương. Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh bọc trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là Nam Hải) phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Ban biên tập mong nhận được phản hồi của các bạn (bài viết hay về các chủ đề tương tự như trên sẽ được tính vào phần dự thi của CLB Việt Sử Ca),
Thân chào,

NGƯỜI KHỔNG LỒ VĂN HÓA DÂN TỘC

Chào các bạn,

Sau một tháng ra mắt bạn đọc ANH HÙNG LĨNH NAM tập 1, Ban biên tập đã nhận được rất nhiều phản hồi từ các bạn. Bên cạnh những nhận xét góp ý, còn có rất nhiều lời khen của các bạn dành cho bộ truyện ANH HÙNG LĨNH NAM. Có thể nói đây là dấu hiệu cho thấy rất nhiều bạn đang mong chờ và luôn luôn ủng hộ truyện tranh Việt. Và sự đóng góp ý kiến của các bạn chính là động lực giúp ANH HÙNG LĨNH NAM ngày càng mạnh mẽ hơn, chất lượng và hấp dẫn hơn.
Ban biên tập mong rằng các bạn sẽ yêu thích và luôn song hành cùng ANH HÙNG LĨNH NAM.  Kỳ này, Ban biên tập chính thức khởi động Câu lạc bộ Việt Sử Ca bằng những thông tin cực kỳ lý thú. Hy vọng các bạn sẽ luôn ủng hộ ANH HÙNG LĨNH NAM và Câu lạc bộ Việt Sử Ca. Nào, chúng ta cùng khám phá thôi!

ĐỨNG TRÊN VAI NGƯỜI KHỔNG LỒ

Có bao giờ các bạn thấy mình thật to lớn, giống như người khổng lồ so với những con vật nhỏ xíu như con kiến, nhưng khi đứng trước đại dương hay một ngọn núi hùng vĩ, bạn chợt nhận ra mình vô cùng nhỏ bé. Chắc hẳn các bạn ai cũng một lần thoáng qua suy nghĩ như thế, đúng không nào?
Con người chúng ta nhỏ bé lắm các bạn àh. Này nhé, hãy nhìn trái đất, nơi chúng ta đang ở mà xem. Trái đất to lớn làm sao, nó có thể chứa gần 7 tỉ người (Woa! Con số không hề nhỏ!!) và hàng ngàn, hàng vạn thành phố. Nhưng so với các thiên hà khác trong vũ trụ, trái đất cũng nhỏ bé lắm đấy.
Lối học “CHU TRI” siêu việt ngày xưa của ông bà ta, các bạn có biết không nhỉ? Có thể tạm hiểu thế này. Chu là tròn, tri là biết (chu tri tức sự hiểu biết tròn đầy). Sự tích “bánh chưng bánh giầy” hay câu chúc “mẹ tròn con vuông” xuất phát từ văn hóa “CHU TRI” này đấy các bạn. Tròn (bánh giầy) đại diện cho chữ tình, Vuông (bánh chưng) đại diện cho lý, ý nói người mẹ phải dũng cảm, nghị lực can trường để đủ sức nuôi nấng, bảo bọc cho con; và người con phải nhanh chóng trưởng thành để gặt hái những thành tựu của cuộc đời. Tròn ở đây cũng có thể hiểu là tư duy tổng hợp của người Á Đông chúng ta.
Sự so sánh nhỏ - lớn, lối học “CHU TRI” mà Ban biên tập vừa đề cập ở trên chính là muốn nhắc đến cách nói hình tượng “Đứng trên vai người khổng lồ” hay “giọt nước hòa vào đại dương”. Ông bà ta biết rằng mình chỉ là một giọt nước nên quyết không để cho nó lẻ loi đến khi bị nắng nóng bốc hơi bằng cách tìm đến một đại dương bao la và hòa vào nó, để được tồn tại, hưởng được sức mạnh tổng thể của cả một đại dương mênh mông.
Cội nguồn sức mạnh của lịch sử văn hóa dân tộc chính là đại dương bao la hay người khổng lồ. Ngày xưa, học sử là việc học đầu tiên và quan trọng nhất của một kẻ sĩ (tạm hiểu là người có học, có tri thức). Hồi đó, ai cũng yêu thích và đam mê học sử, vì việc học sử đem lại liền nhiều lợi ích thiết thực. Học sử tức là học được tấm gương của người xưa, điều đó giúp mỗi kẻ sĩ như tổng hợp được sức mạnh tri thức của hàng trăm, hàng ngàn năm. Nếu thấy tấm gương tốt thì kẻ sĩ vụt tiến bộ ngay, nếu thấy tấm gương xấu sẽ biết tránh “vết xe đổ”. Người xưa đã phải bỏ thời gian, công sức và xương máu của nhiều đời mới đúc kết được một bài học. Vậy tại sao chúng ta không biết ứng dụng để khỏi phải tự mày mò và trả giá cho sự thiếu hiểu biết nhỉ?
Có lẽ một số bạn sẽ nghĩ rằng tại sao chúng ta phải uổng phí sức lực để học những thứ lạc hậu trong thời buổi hiện đại này? Suy nghĩ này có thể nói là ‘bé cái nhầm’ rồi đấy bạn àh. Bạn biết không, người xưa khi đến 18 tuổi đã được xem như một “ĐẠI NHÂN”, tức là người có thể gánh vác trọng trách lớn trong đời. Một người mới đôi mươi đã có thể làm chủ tướng thống lĩnh hàng vạn binh sĩ (như vị tướng trẻ TRẦN QUỐC TOẢN). Vai trò quản lý của người chủ tướng không đơn thuần là công việc quản lý như chúng ta hiểu ngày nay. Người giữ trọng trách chủ tướng phải biết cách làm sao cho trên dưới một lòng, xem tướng sĩ như cốt nhục, đánh đâu thắng đó, quyết định sự thành bại, sống chết của đoàn quân… Người chủ tướng làm được những điều đó là nhờ học và vận dụng “BINH PHÁP” của người xưa. Trong bộ truyện ANH HÙNG LĨNH NAM này, chúng ta sẽ tìm hiểu ĐÀO KỲ đã học và làm những gì để trở thành vị tướng trẻ tài ba bậc nhất thời Lĩnh Nam. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ biết được tại sao Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương, Nguyễn Trãi… những nhân vật cũng là con người bằng xương bằng thịt như chúng ta nhưng lại làm nên những chiến công hiển hách, tên tuổi của họ là bất tử. Tại sao họ lại làm được điều đó. Bởi vì họ biết đứng trên vai NGƯỜI KHỔNG LỒ VĂN HÓA DÂN TỘC.

Sử liệu gợi ý chủ đề “SÁNG TÁC” Việt Sử Ca

Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa lập nên Triều đình Lĩnh Nam làm khiếp đảm vua quan nhà Hán hùng mạnh là một sự kiện vô cùng độc đáo trong lịch sử nhân loại.

Sử gia Lê Văn Hưu viết:
Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương.

Sử gia Ngô Sĩ Liên viết:
Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa. Phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì là không linh ứng... Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực chính đại ấy ư?

Dưới trướng Hai Bà Trưng có đến hơn trăm tướng lĩnh đại tài, hiện còn nhiều đền thờ lập Thành hoàng làng ở miền Bắc. Có nhiều câu đối ca ngợi tại các đền thờ như:

Hiệp tán Trưng vương, khuynh Bắc quốc
Đồng trừ Tô tặc, trấn Nam bang.
Nghĩa là:
Hợp giúp Trưng vương, nghiêng nước Bắc (Trung nguyên)
Đồng trừ giặc Tô, giữ trời Nam.

Dưới đây là một số tướng tiêu biểu:

Thánh Thiên - nữ tướng anh hùng. Tài kiêm văn võ, được Trưng Vương phong là Thánh Thiên Công chúa, giữ chức Bình Ngô đại tướng quân, thống lĩnh binh mã trấn thủ vùng Nam Hải (Hải Nam). Hiện có đền thờ ở Ngọc Lâm, Yên Dũng, Bắc Ninh.
Câu đối ở đền thờ Thánh Thiên:
Thực hào kiệt, thực anh hùng, những khi giúp đỡ vua Trưng,
mặt nước sông Thương, gươm báu trăng lồng còn lấp lánh.

Còn bâng khuâng, còn phảng phất, sau lúc đuổi tan giặc Hán,
cành hoa bến Ngọc, vòng tay thơm nức vẫn còn đây.

Hoàng Thiều Hoa - Tiên phong nữ tướng. Được Trưng Vương phong là Đông Cung công chúa giữ chức Tiên phong hữu tướng. Hiện ở xã Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ có miếu thờ.

Hồ Đề - Phó Nguyên soái. Được Trưng Vương phong là Đề Nương công chúa lãnh chức Phó nguyên soái, Trấn Viễn đại tướng quân. Đình Đông Cao, Yên Lập (Phú Thọ) thờ Hồ Đề.

Phương Dung - nữ tướng. Được Trưng Vương Sắc phong Đăng Châu công chúa. Lĩnh ấn Trấn nam đại tướng quân. Thống lĩnh đạo binh Giao Chỉ.
Bài thơ ca ngợi công đức vợ chồng Bắc Bình Vương Đào Kỳ - Phương Dung tại Cổ Loa:
Sinh vi lương tướng, tử vi thần,
Vạn cổ cương thường, hệ thử nhân,
Loa địa song đôi thuy nguyệt ảnh.
Anh hùng liệt nữ tướng quân phần.
Dịch nghĩa:
Sống là tướng giỏi, chết là thần.
Vạn đại cương thường, nặng tấm thân,
Hai mộ thành Loa trăng chiếu sáng,
Anh hùng, liệt nữ, mộ tướng quân.

Lê Chân - nữ tướng miền biển. Được Trưng Vương phong là Đông Triều công chúa, lĩnh ấn Trấn Đông đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải. Hiện có đền Nghè, ở An Biên, Hải Phòng thờ.

Phật Nguyệt - Tả tướng thuỷ quân. Được Trưng Vương phong là Phật Nguyệt công chúa giữ chức Thao Giang Thượng tả tướng thuỷ quân, Chinh Bắc đại tướng quân, tổng trấn khu hồ Động đình - Trường Sa. Bà hình như không được ghi vào sử Việt Nam mà lại được ghi vào sử Trung Quốc. Hiện di tích về bà còn rất nhiều: Tại chùa Kiến Quốc thuộc Trường-sa, tại ngôi chùa trên núi Thiên Đài trong ngọn núi Ngũ Lĩnh. Bà là một nữ tướng gây kinh hoàng cho triều Hán nhất
Câu đối ở đền thờ Phật Nguyệt :
Tích trù Động đình uy trấn Hán,
Phương lưu thanh sử, lực phù Trưng.
Dịch nghĩa:
Trận đánh hồ Động đình, uy danh rung động Hán.
Tên còn ghi lại sử thơm, ra sức phò vua Trưng.

Xuân Nương, chồng là Thi Bằng em trai Thi Sách, Trưởng quản quân cơ. Được Trưng Vương phong làm Đông Cung công chúa chức Nhập nội trưởng quản quân cơ nội các. Hiện có đền thờ ở Hưng Nha (Tam Nông), Phú Thọ.
Câu đối ở đền thờ Hùng Xuân Nương:
Yểu điệu phù Trưng, trung quán nhật.
Quật cường cự Hán tiết lăng sương.
Dịch nghĩa:
Người yểu điệu phù vua Trưng, lòng trung nghĩa tranh sáng với mặt trời.
Quật cường chống giặc Hán, khí tiết thắng cả thời gian.

Nàng Quốc - Trung dũng đại tướng quân. Được Trưng Vương phong là Gia Hưng công chúa, Trung Dũng đại tướng quân, Lĩnh ấn Đô Đốc, chưởng quản thủy quân trấn bắc Nam Hải. Hiện ở Hoàng Xá, Kiêu Kỵ, Gia Lâm thờ nàng Quốc.
Câu đối ở đền thờ Trần Quốc:
Tô khấu tước bình, trực bả quần thoa đương kiếm kích,
Trưng vương dực tải, hảo tương cân quắc hộ sơn hà.
Dịch nghĩa:
Dẹp giặc Tô Định cứu dân, quyết lấy quần thoa thay kiếm kích.
Phù vua Trưng dựng nước, đem tài khăn yếm giữ non sông.
… và còn nhiều danh tướng khác chúng ta sẽ dần tìm hiểu trong bộ Đại Việt Thần Võ này.