Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

NGƯỜI KHỔNG LỒ VĂN HÓA DÂN TỘC

Chào các bạn,

Sau một tháng ra mắt bạn đọc ANH HÙNG LĨNH NAM tập 1, Ban biên tập đã nhận được rất nhiều phản hồi từ các bạn. Bên cạnh những nhận xét góp ý, còn có rất nhiều lời khen của các bạn dành cho bộ truyện ANH HÙNG LĨNH NAM. Có thể nói đây là dấu hiệu cho thấy rất nhiều bạn đang mong chờ và luôn luôn ủng hộ truyện tranh Việt. Và sự đóng góp ý kiến của các bạn chính là động lực giúp ANH HÙNG LĨNH NAM ngày càng mạnh mẽ hơn, chất lượng và hấp dẫn hơn.
Ban biên tập mong rằng các bạn sẽ yêu thích và luôn song hành cùng ANH HÙNG LĨNH NAM.  Kỳ này, Ban biên tập chính thức khởi động Câu lạc bộ Việt Sử Ca bằng những thông tin cực kỳ lý thú. Hy vọng các bạn sẽ luôn ủng hộ ANH HÙNG LĨNH NAM và Câu lạc bộ Việt Sử Ca. Nào, chúng ta cùng khám phá thôi!

ĐỨNG TRÊN VAI NGƯỜI KHỔNG LỒ

Có bao giờ các bạn thấy mình thật to lớn, giống như người khổng lồ so với những con vật nhỏ xíu như con kiến, nhưng khi đứng trước đại dương hay một ngọn núi hùng vĩ, bạn chợt nhận ra mình vô cùng nhỏ bé. Chắc hẳn các bạn ai cũng một lần thoáng qua suy nghĩ như thế, đúng không nào?
Con người chúng ta nhỏ bé lắm các bạn àh. Này nhé, hãy nhìn trái đất, nơi chúng ta đang ở mà xem. Trái đất to lớn làm sao, nó có thể chứa gần 7 tỉ người (Woa! Con số không hề nhỏ!!) và hàng ngàn, hàng vạn thành phố. Nhưng so với các thiên hà khác trong vũ trụ, trái đất cũng nhỏ bé lắm đấy.
Lối học “CHU TRI” siêu việt ngày xưa của ông bà ta, các bạn có biết không nhỉ? Có thể tạm hiểu thế này. Chu là tròn, tri là biết (chu tri tức sự hiểu biết tròn đầy). Sự tích “bánh chưng bánh giầy” hay câu chúc “mẹ tròn con vuông” xuất phát từ văn hóa “CHU TRI” này đấy các bạn. Tròn (bánh giầy) đại diện cho chữ tình, Vuông (bánh chưng) đại diện cho lý, ý nói người mẹ phải dũng cảm, nghị lực can trường để đủ sức nuôi nấng, bảo bọc cho con; và người con phải nhanh chóng trưởng thành để gặt hái những thành tựu của cuộc đời. Tròn ở đây cũng có thể hiểu là tư duy tổng hợp của người Á Đông chúng ta.
Sự so sánh nhỏ - lớn, lối học “CHU TRI” mà Ban biên tập vừa đề cập ở trên chính là muốn nhắc đến cách nói hình tượng “Đứng trên vai người khổng lồ” hay “giọt nước hòa vào đại dương”. Ông bà ta biết rằng mình chỉ là một giọt nước nên quyết không để cho nó lẻ loi đến khi bị nắng nóng bốc hơi bằng cách tìm đến một đại dương bao la và hòa vào nó, để được tồn tại, hưởng được sức mạnh tổng thể của cả một đại dương mênh mông.
Cội nguồn sức mạnh của lịch sử văn hóa dân tộc chính là đại dương bao la hay người khổng lồ. Ngày xưa, học sử là việc học đầu tiên và quan trọng nhất của một kẻ sĩ (tạm hiểu là người có học, có tri thức). Hồi đó, ai cũng yêu thích và đam mê học sử, vì việc học sử đem lại liền nhiều lợi ích thiết thực. Học sử tức là học được tấm gương của người xưa, điều đó giúp mỗi kẻ sĩ như tổng hợp được sức mạnh tri thức của hàng trăm, hàng ngàn năm. Nếu thấy tấm gương tốt thì kẻ sĩ vụt tiến bộ ngay, nếu thấy tấm gương xấu sẽ biết tránh “vết xe đổ”. Người xưa đã phải bỏ thời gian, công sức và xương máu của nhiều đời mới đúc kết được một bài học. Vậy tại sao chúng ta không biết ứng dụng để khỏi phải tự mày mò và trả giá cho sự thiếu hiểu biết nhỉ?
Có lẽ một số bạn sẽ nghĩ rằng tại sao chúng ta phải uổng phí sức lực để học những thứ lạc hậu trong thời buổi hiện đại này? Suy nghĩ này có thể nói là ‘bé cái nhầm’ rồi đấy bạn àh. Bạn biết không, người xưa khi đến 18 tuổi đã được xem như một “ĐẠI NHÂN”, tức là người có thể gánh vác trọng trách lớn trong đời. Một người mới đôi mươi đã có thể làm chủ tướng thống lĩnh hàng vạn binh sĩ (như vị tướng trẻ TRẦN QUỐC TOẢN). Vai trò quản lý của người chủ tướng không đơn thuần là công việc quản lý như chúng ta hiểu ngày nay. Người giữ trọng trách chủ tướng phải biết cách làm sao cho trên dưới một lòng, xem tướng sĩ như cốt nhục, đánh đâu thắng đó, quyết định sự thành bại, sống chết của đoàn quân… Người chủ tướng làm được những điều đó là nhờ học và vận dụng “BINH PHÁP” của người xưa. Trong bộ truyện ANH HÙNG LĨNH NAM này, chúng ta sẽ tìm hiểu ĐÀO KỲ đã học và làm những gì để trở thành vị tướng trẻ tài ba bậc nhất thời Lĩnh Nam. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ biết được tại sao Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương, Nguyễn Trãi… những nhân vật cũng là con người bằng xương bằng thịt như chúng ta nhưng lại làm nên những chiến công hiển hách, tên tuổi của họ là bất tử. Tại sao họ lại làm được điều đó. Bởi vì họ biết đứng trên vai NGƯỜI KHỔNG LỒ VĂN HÓA DÂN TỘC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét