Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

TINH THẦN THƯỢNG VÕ VIỆT NAM


Kinh dịch, Âm Dương, Ngũ Hành… những hệ thống thuộc Minh Nho được đúc kết từ nền Văn minh lúa nước, chúng ta đã biết sơ lược qua các kỳ trước. Thế các bạn có nhận ra sự quen thuộc và gần gũi trong những tri thức đã khám phá được không nè? Thực ra, trong từng hơi thở, từng hoạt động của người Á Đông đều có sự hiện hữu của những tri thức này, chỉ có điều là dường như không ai nhận ra sự tồn tại ấy. Quả thật khó ai có thể hiểu hết được những tri thức này, bởi đó là cả một kho tàng minh triết siêu việt của Đông phương. Nghe thì có vẻ quá cao siêu, nhưng thật ra nó rất gần gũi trong cuộc sống hàng ngày của mỗi con người chúng ta mà ai cũng có thể cảm nhận được.

5 thuộc tính của Ngũ Hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, điều này có lẽ không xa lạ gì với nhiều bạn. Chắc chắn các bạn cũng biết cây xanh hay gỗ nói chung thuộc hành Mộc. Và hẳn bạn nào cũng biết vai trò của cây xanh trên trái đất là hấp thụ khí Cacbonic và nhả Oxy. Chính nhờ có cây xanh lọc độc mà con người và vạn vật được nuôi dưỡng trong môi trường trong lành. Không chỉ cây xanh thuộc hành Mộc, mà trong cơ thể chúng ta có một bộ phận cũng thuộc hành Mộc đấy. Đố các bạn biết đó là gì nè? Bật mí luôn với các bạn, chính là Gan của chúng ta đó. Bạn không tin à? Này nhé, Gan có chức năng lọc độc cho cơ thể. Những người uống rượu bia nhiều, hút thuốc lá hoặc ăn uống những loại thực phẩm có lẫn nhiều chất độc hại thì gan sẽ lâm bệnh vì làm việc quá sức trong quá trình lọc độc. Nhân dịp bàn đến vấn đề gan, mách nhỏ bạn cách ‘bắt bệnh’ cho gan của mình nè. Nếu bạn thấy khó ngủ, mắt kém (cận thị), dễ nóng giận… thì bạn nên điều chỉnh lại lịch làm việc, học hành, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của mình, hoặc đến bác sĩ để bác ấy chẩn bệnh cho gan nhé.

Tìm hiểu về cây xanh xung quanh chúng ta, chắc chắn các bạn sẽ hiểu rõ hơn về tính Mộc. Các bạn biết không, thuộc tính của Mộc là “cong để thẳng” đại diện cho sự thuần phác, màu xanh, có vị chua, và thuộc hướng Đông. “Cong để thẳng”, có thật thế không nhỉ? Bạn cứ thử bẻ cong một cây tre xem nào. Dù bạn có bẻ cong cỡ nào, khi buông tay ra nó cũng sẽ trở về hình dáng ban đầu. Thậm chí khi bị chặt ngang, gốc của nó cũng có thể sống và tiếp tục đâm chồi nảy lộc. Không chỉ có cây tre không đâu, còn có cây lúa, cây lau… Bạn thử để ý xem khi có một cơn gió mạnh đi qua, chúng có bị gãy hay chỉ ngã rạp rồi vươn mình đứng dậy? Chắc chắn là cơn gió có mạnh cỡ nào cũng không quật ngã được cây lau, cây lúa. Có thể nói thuộc tính này giống như đức tính NHẪN của con người. Dẫu hoàn cảnh gian khổ, người có tính nhẫn vẫn kiên trì chịu đựng và cố gắng học tập, rèn luyện. Và tất nhiên mọi khó khăn sẽ qua đi và người đó ắt sẽ thực hiện được hoài bão của mình vào một ngày không xa.

TINH THẦN THƯỢNG VÕ VIỆT NAM
Các bạn đang thắc mắc tại sao kỳ này Ban biên tập lại đề cập đến chủ đề Mộc. Thực ra thì Mộc chính là một thuộc tính hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt mình. Chính nhờ bản sắc ấy, hàng ngàn năm qua, dân tộc ta không bị khuất phục và đồng hóa bởi những kẻ địch ngoại xâm hung bạo.

Trên báo Tuổi Trẻ, Tôn Sư Chưởng môn Môn phái võ dân tộc Nam Huỳnh Đạo có phát biểu như sau:
“Việt Nam là một nước nông nghiệp, người dân sống định cư trên những cánh đồng trồng lúa nước, tính cách hiền hòa, dân tục thuần phác, ai cũng mong muốn cảnh thanh bình để yên ổn làm ăn. Nói theo các nhà khoa học, dân tộc ta thuộc nền văn hóa có xu hướng trọng tĩnh. Thế nhưng do khung cảnh địa lý phải giao lưu và đối mặt với các nền văn hóa lớn, lịch sử của Việt Nam là lịch sử của chiến tranh chống ngoại xâm triền miên. Người Việt Nam kiên trì, giỏi chịu đựng, tinh thông võ nghệ là vì lẽ tồn vong ấy. Lịch sử và núi sông đã hun đúc nên TINH THẦN THƯỢNG VÕ và đó là “đại khí” của dân tộc. Ông cha ta đã đánh thắng kẻ thù xâm lược, bắt sống tù binh không giết, lại “trải thảm” thả về. Không phải ta sợ kẻ địch lớn, sợ nạn binh đao, mà chính vì ĐỨC HIẾU SINH là một phẩm chất lớn của TINH THẦN THƯỢNG VÕ. Hiểu được lẽ ấy mới biết được khí chất của người Việt Nam.

Thật vậy, bản sắc của người Việt Nam là tinh thần thượng võ. Ban biên tập lấy một thí dụ điển hình để giải thích rõ hơn về sự đúc kết này. Sự tích Thánh Gióng chắc hẳn bạn nào cũng rõ. Câu chuyện đó thực chất là bài học về tinh thần thượng võ trong công cuộc chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Trong tích truyện có 3 chi tiết đặc biệt: thứ nhất là chuyện bà mẹ thụ thai và sinh ra Gióng một cách kỳ lạ; chi tiết thứ hai là dân chúng khắp vùng góp gạo thổi cơm, Thánh Gióng ăn bao nhiêu cũng hết và vươn vai trở thành chàng trai to lớn phi thường; và chi tiết sau cùng là sau khi có được ngựa sắt, giáp sắt, roi sắt của triều đình, Thánh Gióng dẫn quân đi dẹp giặc, đánh đâu thắng đó nhưng roi sắt đã bị gãy, và Thánh Gióng bèn nhổ bụi tre bên đường để đánh đuổi giặc.

Có thể giải thích ý nghĩa của những tình tiết đó rằng, đất nước chúng ta luôn được phò trợ bởi “đại khí” của dân tộc. Kế đến, cho dù Thánh Gióng là người nhà trời có sức mạnh phi thường cũng phải cần đến sức dân. Sau cùng, ông cha ta muốn nhắn gửi đó là roi sắt tuy cứng, chắc và công dụng vô biên cũng gãy, phải nhờ đến lũy tre (tính Mộc) rất mềm dẻo nhưng có sức mạnh phi thường. Đây cũng là những đúc kết mang tính nguyên lý giữ nước trong BINH PHÁP của nước Việt ta từ bao đời nay. Phải luôn nuôi dưỡng SỨC MẠNH ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN và vận dụng CHIẾN THUẬT MỀM DẺO LINH HOẠT, chúng ta có thể chiến thắng được tất cả mọi kẻ thù. Một triết lý “rất nông nghiệp” của Việt Nam nhưng luôn đúng trong công cuộc giữ nước hơn 4.000 năm qua.

Những triết lý sâu xa của nền Văn minh lúa nước nghe thì có vẻ quá cao siêu, nhưng thực chất lại rất gần gũi với con người Việt Nam. Tinh thần thượng võ mà chúng ta vừa tìm hiểu qua là mở đầu cho loạt bài tìm hiểu về võ học dân tộc. Những thông tin vô cùng lý thú, chắc chắn các bạn sẽ không ngờ rằng người Việt mình có nguyên một kho tàng võ thuật kỳ bí do chính người Việt sáng tạo và của riêng người Việt. Các bạn hãy đón đọc, đừng bỏ qua nhé!
Ban biên tập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét