Chắc hẳn các bạn ai cũng biết nước ta là một đất nước của nền văn hóa nông nghiệp. Thế các bạn có biết thành tựu rực rỡ nhất của NỀN VĂN HÓA NÔNG NGHIỆP là gì không? Đó chính là VĂN MINH LÚA NƯỚC đấy các bạn. Theo những nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học khảo cổ trên thế giới, VĂN MINH LÚA NƯỚC là nền văn minh lâu đời nhất đó. Cách đây khoảng hơn 10.000 năm, nền văn minh này đã xuất hiện ở vùng lưu vực sông Dương Tử (hay còn gọi là sông Trường Giang ở Trung Quốc hiện nay) trải dài xuống Đông Nam Á (tức lãnh thổ Bách Việt). Ông cha ta ngày xưa rất đáng khâm phục! Bởi ở nền VĂN MINH LÚA NƯỚC từ cách đây rất lâu, không có sự hỗ trợ của công nghệ, khoa học, ông cha ta đã đạt đến một trình độ cao về kỹ thuật canh tác lúa nước, thủy lợi, phát triển các công cụ lao động, vật nuôi, và cách tính thời gian vụ mùa (tức lịch số).
Không chỉ thế, để vun trồng và bảo vệ thành quả lao động, ông cha ta đã tìm hiểu về quy luật tự nhiên, các mối quan hệ giữa vũ trụ, vạn vật, và con người, và đúc kết chúng thành hệ thống những nguyên lý. Chẳng thế mà ông cha ta có câu “Trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm”. Lời dạy của ông cha ta ngày xưa dù trong thời nào vẫn đúng với một đất nước chủ yếu là nông nghiệp.
Cách tổng hợp, đúc kết đó chính là nền tảng để phát triển TƯ DUY TRIẾT LÝ CỦA NGƯỜI Á ĐÔNG – TƯ DUY TỔNG HỢP. Và những tiến bộ của nền văn minh lúa nước chính là cái nôi hình thành nên cộng đồng cư dân có lối sống định canh định cư, và các giá trị văn hóa làng xã còn tồn tại đến ngày nay. Đồng thời, đây chính là tiền đề cho sự ra đời của VĂN HÓA ĐÔNG SƠN, VĂN HÓA HÒA BÌNH…
Hệ thống những nguyên lý mà ông cha ta đúc kết được từ những quy luật tự nhiên chính là MINH NHO, người Việt Cổ gọi là VĂN HÓA HỒNG PHẠM hay VĂN HÓA VĂN LANG. Những nguyên lý THÁI NHẤT, ÂM DƯƠNG, CƯƠNG NHU, TAM TÀI, NGŨ HÀNH… đều thuộc hệ thống tư tưởng minh triết của NHO gốc đầu này.
Các bạn đã bắt đầu rối lên với những thông tin về nền văn minh lúa nước chưa nè? Có lẽ thông tin hơi khô khan, khó hiểu, nhưng các bạn đừng bỏ cuộc, bởi những bật mí sau đây sẽ cho các bạn những khám phá mới mẻ khá lý thú đấy.
Tại sao Ban biên tập lại đề cập đến nguyên lý ÂM DƯƠNG của MINH NHO ở đây nhỉ? Này nhé, nguyên lý ÂM DƯƠNG gắn kết rất mật thiết với NỀN VĂN MINH LÚA NƯỚC CỦA NƯỚC TA. Nói một cách cụ thể thì cây lúa nước hấp thụ đồng thời hai thuộc tính Âm – Dương là Thủy – Hỏa. Nửa thân trên của cây lúa hấp thụ Hỏa từ mặt trời, nửa thân dưới ngâm mình trong nước tức là hấp thụ Thủy. Hạt lúa là sự kết tinh đầy tinh hoa giữa Thủy – Hỏa, đã nuôi sống con người Á Đông hàng ngàn năm qua. Cây lúa mang tính mộc là đại diện cho sự thuần phác, hiền hậu, lành tính, nên con người chúng ta sinh ra ai cũng mang tính thiện.
Thêm một thông tin chứng minh nguyên lý ÂM DƯƠNG của MINH NHO có liên quan mật thiết với nền văn minh lúa nước cũng cực kỳ lý thú. Chắc hẳn các bạn ai cũng biết người Việt tôn thờ biểu hiệu Rồng và Chim như một sự ngưỡng vọng, thể hiện tính khai phóng, vượt thoát (chữ VIỆT có nghĩa là VƯỢT THẮNG đó các bạn). Gốc biểu hiệu này lấy từ huyền sử vua Lạc Long Quân là loài Rồng (đại diện cho Hỏa) lấy công chúa Âu Cơ (Tiên) thuộc loài chim (Thủy) đẻ ra một bọc trăm trứng (nên ĐỒNG BÀO = chung một bào thai; TỔ QUỐC (tổ chim) là xuất phát từ sự tích hình thành đất nước và dân tộc Việt). Sau đó, 50 con theo Âu Cơ lên núi (Thủy ở nơi dương), 50 con theo Long Quân xuống biển (Hỏa ở nơi âm). Phải chăng tổ tiên chúng ta đề cập đến nguyên lý ÂM DƯƠNG tương hỗ khắng khít nhau một cách tinh tế? Cũng chính từ gốc văn hóa này mà người Việt chúng ta về sau thường dùng những cặp từ ngữ sóng đôi mang hai thuộc tính âm dương như: sơn hà, xã tắc, nước non, sông núi, trời đất, vuông tròn…
Những tri thức đầu tiên về nền Văn minh lúa nước quả thật rất lý thú phải không các bạn? Mỗi kỳ, chúng ta sẽ từ từ khám phá những điều lý thú của Việt Sử Ca. Các bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Thân chào,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét