Các bạn độc giả trẻ có biết NHO GIÁO là gì không nhỉ?
Đời sống tinh thần của người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng đều ảnh hưởng bởi NHO GIÁO. Nho giáo không phải là một đạo giáo hay giáo phái mà là một sự đúc kết tư tưởng triết lý của nền VĂN HÓA NÔNG NGHIỆP. Người xưa gọi NHO là NHU tức “nhu yếu thâm sâu”, nghĩa là những nguyên lý căn nền phục vụ cho nhu cầu đời sống thực tiễn của con người như đói cần ăn, khát cần uống, lạnh cần mặc ấm, và ai cũng cần sự chia sẻ, quan tâm, chăm sóc… Người nào đáp ứng được tốt những nhu cầu này là thực hiện được đạo NHO! (người xưa thường dùng chữ ĐẠO, ý nói: đạo lý, chân lý). Nho chính là một nền tảng cốt lõi của Văn hóa dân tộc Việt vì hầu hết văn minh, thư tịch cổ điều được viết bằng ngôn ngữ và tinh thần của NHO GIÁO minh triết này.
Đến đời Xuân Thu Chiến Quốc, Khổng Tử người nước Lỗ (lúc bấy giờ Trung Quốc chưa hình thành) đã có công tổng hợp những nền tảng tư tưởng Nho giáo thành một hệ thống thư tịch (văn bản, viết thành sách) rõ ràng để giáo huấn con người tuân theo những chân lý đúng ấy. Đó là TỨ THƯ, NGŨ KINH. Ông còn nói rõ “thuật nhi bất tác” tức là ông chỉ viết lại, thuật lại chứ không sáng tác. Vì mức độ tác động đến toàn diện đời sống của con người (tinh thần và thể xác), rõ ràng công lao ấy quá to lớn nên người đời sau (các nước Á Đông) gọi ông là “Vạn thế sư biểu”, tức người thầy của muôn đời.
Khi Tần Thủy Hoàng thống nhất bảy nước và lấn xuống cả vùng đất phương Nam rộng lớn, ông đã rất tàn bạo và ra lệnh “đốt sách chôn Nho” (đốt hết thư tịch, giết những người đang theo học Nho giáo) nhằm tiêu diệt hết những giá trị văn hóa của các dân tộc khác, vì ông cho rằng còn văn hóa, còn chữ viết là dân còn đấu tranh giành quyền tự chủ. Chữ China có nguồn gốc từ đời này, vì China là phiên âm của chữ Tsin (Tần). Sau này, nước Việt ta vào thời nhà Hồ (1400-1407) cũng bị nhà Minh lấy đi hoặc tiêu hủy hết những giá trị di sản về vật chất lẫn tinh thần của người Việt, bắt hết những người tài, thợ giỏi đưa sang Trung Quốc (Hồ Nguyên Trừng - ông tổ đúc súng thần công Việt Nam, Nguyễn An - tổng công trình sư xây dựng thành Bắc Kinh,…).
Có lẽ vì tổ tiên người Lạc Việt ta (thuộc Bách Việt ở phía nam sông Dương Tử và núi Ngũ Lĩnh) đã biết trước có những biến cố (bị phá hủy) như vậy nên đã khéo léo chuyển những giá trị văn hóa đó vào trong những truyền thuyết, chuyện kể dân gian, truyền miệng hay những di vật (trống đồng) để người đời sau dù không còn thư tịch cũng có thể nhận ra. Chúng ta hãy thử tìm hiểu nhé!
Tìm hiểu Nho là tìm hiểu những khái niệm như Kinh Dịch, Âm Dương (thủy hỏa), Cương Nhu, Ngũ Hành… Bây giờ ta thử đọc lại truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân xem có phát hiện gì mới không:
“Lạc Long Quân, tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương. Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh bọc trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là Nam Hải) phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Ban biên tập mong nhận được phản hồi của các bạn (bài viết hay về các chủ đề tương tự như trên sẽ được tính vào phần dự thi của CLB Việt Sử Ca),
Thân chào,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét