Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Phi Lộ 3 ... (Truyện tranh về nguồn Việt Nam)

Rất có thể sẽ ít người Việt biết tới các câu như “đa nghi như Tào Tháo”, “xấu như Chung Vô Diệm”, “đẹp như Tây Thi”, “nóng như Trương Phi” v.v … nếu như Trung Hoa không có tác phẩm văn học sử như “Tam Quốc Chí” – hay đúng hơn, nếu như bộ “Tam Quốc Chí” hoặc các tiểu thuyết lịch sử khác (Đông Chu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng, Tiết Nhơn Quý, Phàn Lê Huê v.v.) không được người Việt cho phép thâm nhập quá sâu vào cuộc sống của mình.

Rất có thể sẽ ít người dùng các câu nói không chút gì là Việt nam như “bảo trọng”, “con bà nó”, “đồ con rùa” hoặc các kiểu thời trang bớt lai căng nếu như các bộ phim Hồng Kong, Đài Loan, Đại Hàn không ồ ạt tràn vào thống lĩnh mọi nơi: báo chí, rạp phim, đài truyền hình, âm nhạc và cả truyện tranh.

Trung Hoa tự hào về 4 “đại tác phẩm”: Tam Quốc Chí, Tây Du Ký, Thủy Hử và Hồng Lâu Mộng. Vâng, xét ở mặt văn học nghệ thuật thì quả nhiên đó là những tác phẩm có giá trị cao. Rất nhiều tình tiết trong Tam Quốc Chí và Thủy Hử hẳn nhiên là hư cấu, là dựa vào lịch sử chứ không hoàn toàn xảy ra trong lịch sử. Thế nhưng chính vì nhờ có những tác phẩm văn học như vậy mà đại đa số người dân – dù là người học ít, dù là người không thích đọc sử - vẫn biết đến … lịch sử .. Trung Hoa. Trong những kỳ đô hộ, xâm chiếm đất nước ta, văn hóa, sách vở Việt nam bị hủy diệt bởi Hán triều và thay vào đó là sách vở, văn hóa của đại Hán mà mức phổ thông đến nỗi các văn chương từ xưa đến nay của Việt nam hầu như sử dụng rất nhiều điển tích từ sử Trung Hoa, truyện Trung Hoa. Nối tiếp sách vở là tuồng hát trên sân khấu. Có quá nhiều vở tuồng của các bộ môn hát bội, cải lương v.v. đã dựa hay dùng văn học / sử tích của Trung Hoa. Người dân lại càng biết nhiều về Trung Hoa. Ở thời hiện đại, các tác phẩm đó còn được dựng thành phim – không chỉ một lần mà nhiều lần, thì sức phổ biến càng mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn. Bây giờ thử hỏi thời đó ông Gia Cát Lượng ăn bận ra sao, ít ai trả lời được. Nhưng nếu hỏi ông Gia Cát Lượng là ai thì sẽ có không ít người nói trúng phóc: quân sư tài giỏi của Lưu Bị. Bây giờ thử hỏi thời đó Võ Tòng dùng binh khí gì, khôi giáp ra sao, ít ai trả lời đúng. Nhưng nếu hỏi có biết Võ Tòng không thì sẽ có không ít người đáp ngay: biết chứ! Võ Tòng đánh hổ, Võ Tòng sát tẩu chứ gì.

Ở Việt Nam lại còn cái thú … đọc truyện kiếm hiệp, bàn luận truyện Tàu. Nhà văn Kim Dung, Cổ Long đã thành công rực rỡ qua các pho truyện kiếm hiệp kỳ tình mà sức thu hút quá mãnh liệt, khiến cho không ít người có thể kể vanh vách và đầy háo hứng về Quách Tỉnh, Dương Quá, hay Trương Vô Kỵ v.v. mà lại không mấy hồ hởi khi nói tới Lục Vân Tiên. Làn sóng phim chưởng Hong Kong ở thập niên 80, rồi các bộ video game của Trung Hoa ồ ạt xâm nhập càng khiến cho giới trẻ rành rọt các nhân vật Trung Hoa hơn (bây giờ thì xoay sang chuộng phim Hàn Quốc) Các tiểu thuyết võ hiệp ấy đều là giả tưởng, dựa vào lịch sử. Ai đọc cũng biết điều ấy mà không cần một sử gia nào lên tiếng dạy dỗ. Nhưng khi đọc xong, người đọc lại có thể nắm bắt không ít nét đại cương về sử Trung Hoa (như điều gì xảy ra ở thời Tống, Minh, Nguyên, Thanh) về văn hóa, đất nước Trung Hoa (như địa danh Giang Nam, Hàn Châu, Tô Châu, Thiếu Lâm, Phật Sơn)

Đối với trẻ em phim họat hình, truyện tranh là một thế giới đầy sức thu hút. Trước khi Disney làm phim Mulan, trẻ em ở đây có lẽ chỉ biết tới “Chinese New Year” và “Dragon dance”. Khi phim Mulan dựa vào truyện Hoa Mộc Lan thành hình, hãng Disney đã tạo dựng thành công một nhân vật Trung Hoa được trẻ em yêu mến. Khi trẻ em đã yêu thích Mulan tự dưng chúng biết tới văn hóa, lịch sử Trung Hoa. Trước khi hãng Nickelodeon cho ra đời nhân vật Kailan trong phim “Ni-hao Kailan”, trẻ em tại đây đâu biết câu chào “ni-hao” đâu biết ngày “Chinese New Year” có những phong tục gì, thế mà bây giờ chúng không những biết mà còn có thể nói theo vài chữ Trung Hoa. Những người bạn ngoại quốc tại nơi tôi làm việc, phần đông không thích đọc sách sử nhưng ai cũng thích đi xem phim. Phim ảnh không chỉ là một phương tiện giải trí mà còn có thể dùng trong việc tuyên truyền. Đúng vậy. Các bạn Mỹ trong nhóm chuyên gia kỹ thuật của tôi trước kia vài năm thôi chẳng ai biết tới Kinh Kha, Khổng Minh, Hoắc Nguyên Giáp, Phương Thế Ngọc, Hoàng Phi Hùng … thế mà bây giờ nhờ các bộ phim “Hero”, “Red Cliff”, “Fearless”, “Once up on a time in China” .v.v. họ còn biết cả vùng đất Quảng Đông, biết cả chùa Thiếu Lâm Tự. Dĩ nhiên không cần sử gia tài giỏi nào chỉ ra cho họ biết đâu là tính hư cấu, đâu là sai lịch sử. Điều quan trọng mà tôi cho là thành công hơn là: các người Mỹ này qua việc xem phim đã biết thêm không nhiều thì ít đôi điều về đất nước Trung Hoa.

Vâng, xét về mặt văn học nghệ thuật, chúng ta không thể phủ nhận các bộ truyện Tàu, truyện chưởng, phim kiếm hiệp. Trước những tinh hoa, những điều hay của xứ người, chúng ta không giận chì, bỏ chày – dù phản đối chính sách đồng hóa của họ nhưng vẫn xác nhận giá trị của các tác phẩm ấy. Từ đó chúng ta tự đặt ra câu hỏi: tại sao chúng ta không làm được như thế? Hoặc tại sao chúng ta vẫn cam lòng sử dụng các sách vở, điển tích của người ta trong các sáng tác của chính mình? Chẳng phải một khi chúng ta còn tiếp tục dùng rộng rải như thế là chúng ta còn tiếp tay để quảng bá văn hóa xứ người và ngăn cản sự sáng tạo và phát triển của chính chúng ta?

Đây chính là một trong những trăn trở của anh em Viet Toon. Qua việc thực hiện các tranh vẽ này, chúng tôi chỉ muốn khơi lên các ý niệm ấy. Chúng tôi không đi làm công tác của một người biên khảo lịch sử. Dĩ nhiên không ai phủ nhận giá trị xác thực của lịch sử. Nhưng những chi tiết lịch sử chỉ được biết tới nếu có học, có nghiên cứu. Còn việc đưa các dữ kiện lịch sử trở nên quảng đại, phổ thông thì không thể phủ nhận sự đóng góp của các lãnh vực khác mà đứng đầu là phim ảnh, sách báo, và cả video game. Chưa chắn ghi chép vanh vách chuyện gì xảy ra vào thời Tam Quốc có thể thu hút được nhiều người bằng tiểu thuyết Tam Quốc Chí, và dẫu truyện Tam Quốc Chí cực hay vẫn không dễ dàng đến với đông đảo người xem mọi giới bằng bộ phim Xích Bích.

Viet Toon đơn giản chỉ là những người giúp cho món sử trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn, lôi cuốn, dễ nuốt. Làm sao mà thế hệ trẻ bị thu hút mà cầm lấy cuốn sách, tập tranh của chúng ta chứ không cầm tới cuốn sách Manga của Nhật hoặc cuốn truyện của Trung Hoa. Có cầm lấy rồi thì mới đọc. Có đọc mới hiểu biết, mới ghi nhớ. Có ghi nhớ thì mới có lưu truyền. Có lưu truyền mới có tự hào qua các thế hệ. Mặt khác, Viet Toon cũng mong khơi lên nhiều thật nhiều những sáng tác dựa vào lịch sử Việt Nam. Không chỉ ở văn học, mà còn ở sân khấu, điện ảnh và hội họa. Bớt dùng điển tích Trung Hoa, tạo dựng và dùng nhiều hơn điển tích của Việt Nam. Các họa sĩ đầu tư tâm huyết cho các tác phẩm hội họa qua các sử tích Việt Nam. Nếu có những bức vẽ về Troy khiến người thưởng lãm phải trầm trồ và tìm hiểu về Troy, thì làm sao chúng ta không thể có những bức vẽ tầm vóc tương xứng, miêu tả sử sách Việt Nam để thế giới biết thêm về Việt Nam. Các hãng sản xuất phim không chỉ tạo thêm nhiều phim lịch sử có phẩm chất cao mà trong phim nên có những đoạn chạy chữ vắn tắt nói về thời đại, sử liệu v.v. Càng có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, càng có sự phổ biến rộng rãi, thì càng dễ gieo vào các thế hệ mai sau lòng tự hào dân tộc. Cho nên Viet Toon sẽ cố gắng tranh cùng sức ảnh hưởng của Trung Hoa để phổ biến rộng rãi hơn văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. Hiện nay, nhờ những bức vẽ có sức thu hút này mà các bạn đồng nghiệp người Mỹ tò mò mới biết tới Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Triệu thị Trinh, Ngô Quyền, An Dương Vương v.v. Quan trọng hơn, họ nhìn ra rằng không chỉ có Trung Hoa mới có các nét văn hóa “phương Đông” ấy.

Nhưng một mình Viet Toon hoặc một mình văn sĩ, họa sĩ nào đó không đủ sức. Cái quan trọng là ý thức và sự yểm trợ mạnh mẽ của toàn dân. Nếu mỗi chúng ta biết đây là trách nhiệm của mình thì sẽ dốc lòng hướng dẫn con cháu, và người ngoại quốc hiểu biết thêm hơn về Việt Nam. Có được sự hưởng ứng và đồng tâm ấy thì ngỏ hầu mới tạo ra động lực khuyến khích sáng tác và thổi bùng lên cuộc cách mạng trong tư tưởng: Để mai sau, nếu có so sánh, thế hệ Việt Nam sẽ dùng các hình ảnh hoàn toàn Việt Nam “bất khuất như Trần Bình Trọng”, “tài trí như Nguyễn Trãi”, “đẹp như Kiều Nguyệt Nga” …

Sưu tầm từ Viet toon

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét