Duyên Anh
Thiếu thời, ta ít học, vì lỡ đầu thai làm con nhà nghèo. Lại gặp buổi loạn ly nên ta lận đận mưu sinh từ tấm bé. Khi người dùi mài kinh sử thì ta bận bịu kiếm cơm. Chữ nghĩa cổ nhân ta chẳng rành, mà chỉ rõ bờ đó, vó tôm. Điển tích cổ nhân ta không hiểu mà chỉ biết ống lươn, rọ cá. Lớn khôn ta làm cuộc phiêu lưu vô định, học từ nỗi đau khổ trong trường đời, học từ niềm cô đơn trên dòng sống. Hằng thấy thiên hạ vinh tôn tư tưởng Trung Quốc, suy tụng văn chương họ Thi, họ La (1), mới dành thì giờ nghiền ngẫm. Riết rồi thành thứ mọt sách huênh hoang, mở miệng là sĩ khí của Điền Tử Phương, Nhan Súc (2). Cầm bút là văn viện Đông Chu, Tam Quốc, Thủy Hử. Hễ bàn về trời đất bao la thiếu chỗ đứng cho một con người nghĩa hiệp thì y rằng Kiều Phong (3). Nếu luận tới kẻ bơ vơ giữa chánh tà thì phang liền Lệnh Hồ Xung (4). Nói đến tên ngụy quân tử thì nhắm Nhạc Bất Quần (5). Thích anh chàng mê gái vội vàng nêu Đoàn Dự (6). Dẫn chứng cả nhân vật, triết lý kiếm hiệp Kim Dung mà phô bày kiến thức. Nghĩ cũng bẽ bàng.
Ấy là bởi chính sử của Đại Nam ta bác học khô khan, ngoại sử cũng bác học khô khan, và dã sử thì khan hiếm. Hầu như ta thiếu hẳn những pho tiểu thuyết bám sát lịch sử như Đông Châu Liệt Quốc, bám sát lịch sử như Tam Quốc Chí và dựa vào bối cảnh lịch sử như Thủy Hử. Nghệ thuật của La Quán Trung , của Thi Nại Am đã biến những tay thảo khấu thành anh hùng, những tay lờ mờ trong chính sử thành bậc thánh. Người đọc cứ ngỡ Võ Tòng làm, Võ Tòng nói, cứ ngỡ Quan Công nói, Quan Công làm. Nên hào khí bốc lên chín tầng mây là hào khí Lâm Xung, trượng phu của trượng phu là Triệu Tử Long vậy. Ta có Đại Nam quốc sử diễn ca, có Nam Hải dị nhân nhưng mà chưa mênh mông bát ngát. Đến những tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai như Cái Hột Mận, Ai lên phố Cát…vẫn khó tìm ra cái hấp dẫn để nhớ, để viện dẫn khi cần viện dẫn. Nhân vật đã chẳng nhiều, con đường đi lại ngắn, cảnh trí bình thường và thiếu hẳn những cái sáng tạo cho thời, cho thế, cho người, cho đời. Bởi thế tiểu thuyết lịch cử của ta hụt hòi, vắng bóng thần tượng, để đời sau còn thuộc tên tuổi, nhớ hành động, ghi dạ những lời nói bất hủ.
La Quán Trung đã thành công, Thi Nại Am đã thành công, Kim Dung đã thành công. Ta không có cái sử của ta, mà còn giành lấy cái của người đánh bóng tô son, thêu hoa, dệt gấm cho nghười. Ta lấy làm băn khoăn và đau đớn lắm. Hạ bán niên Bính Dần (7) bạn đến thăm, tặng ta một vò Bồ Đào Tửu. Nhân thở than chuyện thiếu hẳn những pho tiểu thuyết ngàn trang, bạn bèn mở khăn cho ta xem pho Anh Hùng Lĩnh Nam dầy cộm, bảo ta chịu khó đọc. Ta bèn đọc. Mới vỡ lẽ rằng, võ nghệ và tư tưởng Lĩnh Nam ta hơn hẳn Trung Quốc. « Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta ».
Bộ truyện viết về cuộc dấy binh khởi nghĩa của Trưng Nữ Vương. Ta đã đọc Đông Hán Chí thấy Mã Viện là gã tướng phi thường, hạ bất cứ tướng tài nào của Vương Mãng không đầy nửa hiệp. Vậy mà đụng bà Trưng Trắc, Mã Viện đánh quá sáu hiệp. Nhưng đó là truyện Tàu viết sai sự thật. Trần Đại Sỹ để viết Anh Hùng Lĩnh Nam đã sang Trung Quốc, vào khắp các thư viện Bắc Kinh, Thượng Hải tìm đọc tất cả sử sách ghi chép từ thủa Triệu Đà cướp nước của An Dương Vương. Trần hiền hữu còn qua cả Đông Kinh nghiên cứu những cuốn sử Tàu mà Nhật Bản cướp đem về Nhật. Nhân đó, Trần hiền Hữu khám phá ra những pho sử viết từ thời Lĩnh Nam của các sử gia ta bị Mã Viện khuân về.
Ta say mê đọc, lòng chan chứa cảm xúc. Võ nghệ và tư tưởng ta xuất chúng thì mới giữ được nước khỏi bị đồng hóa bởi Trung Quốc hiếu chiến mạnh gấp triệu lần. Cứ ngẫm chuyện Lý Thường Kiệt phá Tống, Trần Hưng Đạo bình Mông. Lê Lợi dẹp đuổi Minh, Quang Trung đánh tan Mãn là đã đủ tự hào khẳng định rằng ta không thua Trung Quốc, không thua bất cứ ai. Anh Hùng Lĩnh Nam, tiền nhân hai ngàn năm cũ, mưu sự diệt Hán và diệt Hán đã khắc lên vách núi hai chữ Bất Khuất rạng ngời. Trong lịch sử nhân loại không có cuộc khởi nghĩa nào vĩ đại hơn. Ta mới thấy hào kiệt thủa trước bệ vệ vô cùng. Đi cứu nước, thân xác như Rồng, tâm hồn như Tiên., mỗi lời, mỗi việc đềm mang cái dáng dấp nhân sinh quan Văn Lang, vuông tròn từ đầu đến cuối, chung thủy đến hơi thở cuối cùng. Cốt cách của tiền nhân ta đã sống lại, hừng hực khí thế khi chiến đấu, thoang thoảng trầm tư lúc thái bình. Trần hiền hữu quả là y sĩ tài năng đã giải phẫu tim phổi ta, lấy hết cái băn khoăn và nỗi đau đớn trong ta ra mà đốt bỏ. Trần hiền hữu đưa ta đi thăm giang sơn gấm vóc Lĩnh Nam, cho ta thưởng thức những món ăn thuần túy dân tộc. Ta đọc bỗng quên La Quán Trung, Thi Nại Am, Kim Dung. Lòng tự ái dân tộc của ta đã được thỏa mãn. Từ nay ta đã có anh hùng Lĩnh Nam tôn thờ, dẹp bỏ ba gã Hán tặc Lưu Bị, Trương Phi, Quan Công ; ta đã có những lời, những việc bất hủ để dùng làm văn kiện, khỏi dựa vào nhân vật tiểu thuyết Trung Quốc.
Bèn cảm khái mà viết những dòng này
Đồng Nai Tư Mã
DUYÊN ANH
Ba Lê, dạ bán trừ tịch, Đinh Mão niên (1987)
Chú giải :
(1) Họ Thi họ La,
Thi để chỉ Thi Nại Am, tác giả bộ tiểu thuyết chương hồi Thủy Hử. Nội dung bộ Thủy Hử có 120 hồi, thuật truyện 105 anh hùng thảo khấu, nhân vua thì hôn ám, quan lại tham nhũng, xã hội đầy bất công. Họ họp nhau kéo cao cờ thay trời hành đạo (Thế thiên hành đạo). Bộ tiểu thuyết có sức hấp dẫn quần chúng. Đến đời Thanh, nhân Trung quốc bị Mãn Thanh cai trị, hào kiệt Hán thường tụ họp nhau theo mô thức Thủy Hử chống triều đình. Vua Khang Hy ban chỉ cho văn thần viết lại bộ Thủy Hử:
- Vẫn giữ nguyên cốt truyện, nhân vật, nhưng sửa đổi văn phong bớt khích động.
- Viết thêm mấy hồi: tạo ra một nhân vật nữ Tần Lệ Khanh là học trò tiên, bắt hết 105 anh hùng Lương sơn bạc, đem về chém đầu.
Sau đó cho khắc bản in, phổ biến. Kết quả ngoài sự tưởng tượng: phong trào tụ tập theo mô thức Lương sơn bạc chìm hẳn xuống, rồi tắt hẳn.
Thế kỷ thứ 19, bộ này truyền sang Việt Nam, nhưng bằng Hán văn. Quần chúng Việt Nam ít người đủ chữ đọc. Sang đầu thế kỷ thứ 20, bộ này được dịch sang chữ Quốc ngữ. Người Việt thi nhau đọc rồi tin rằng những nhân vật trong Thủy Hử là thực, có một vài tôn giáo còn thờ cúng các hảo hán Lương sơn bạc. Một số thầy cúng còn bầy ra cầu đảo các nhân vật tưởng tượng này để mong cứu khốn phò nguy. Họ La, để chỉ La Quán Trung, một nhà văn Trung quốc, đã dựa theo bộ chính sử Tam Quốc Trí của Trần Thọ, viết ra bộ chương hồi tiểu thuyết Tam Quốc Chí diễn nghĩa. Bộ này lưu truyền rất rộng. Tại Việt Nam có ba bản dịch nổi tiếng. Một là của Phan Kế Bính. Hai là của Đoàn Trung Còn. Ba là của Tử Vi Lang.
(2) Điền Tử Phương, Nhan Súc, hai nhân vật có thực, sống vào thời Xuân thu (770- 476 tcn), Chiến quốc (475 – 221 tcn)
(3) Kiều Phong, nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung trong bộ Lục Mạch Thần Kiếm.
(4) Lệnh Hồ Xung, nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung, trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ.
(5) Nhạc Bất Quần, nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ.
(6) Đoàn Dự, nhân vật tiểu tuyết của Kim Dung trong bộ Thiên Long Bát Bộ, Lục Mạch Thần Kiếm.
(7) Bính Dần, tức năm 1986.
Thi để chỉ Thi Nại Am, tác giả bộ tiểu thuyết chương hồi Thủy Hử. Nội dung bộ Thủy Hử có 120 hồi, thuật truyện 105 anh hùng thảo khấu, nhân vua thì hôn ám, quan lại tham nhũng, xã hội đầy bất công. Họ họp nhau kéo cao cờ thay trời hành đạo (Thế thiên hành đạo). Bộ tiểu thuyết có sức hấp dẫn quần chúng. Đến đời Thanh, nhân Trung quốc bị Mãn Thanh cai trị, hào kiệt Hán thường tụ họp nhau theo mô thức Thủy Hử chống triều đình. Vua Khang Hy ban chỉ cho văn thần viết lại bộ Thủy Hử:
- Vẫn giữ nguyên cốt truyện, nhân vật, nhưng sửa đổi văn phong bớt khích động.
- Viết thêm mấy hồi: tạo ra một nhân vật nữ Tần Lệ Khanh là học trò tiên, bắt hết 105 anh hùng Lương sơn bạc, đem về chém đầu.
Sau đó cho khắc bản in, phổ biến. Kết quả ngoài sự tưởng tượng: phong trào tụ tập theo mô thức Lương sơn bạc chìm hẳn xuống, rồi tắt hẳn.
Thế kỷ thứ 19, bộ này truyền sang Việt Nam, nhưng bằng Hán văn. Quần chúng Việt Nam ít người đủ chữ đọc. Sang đầu thế kỷ thứ 20, bộ này được dịch sang chữ Quốc ngữ. Người Việt thi nhau đọc rồi tin rằng những nhân vật trong Thủy Hử là thực, có một vài tôn giáo còn thờ cúng các hảo hán Lương sơn bạc. Một số thầy cúng còn bầy ra cầu đảo các nhân vật tưởng tượng này để mong cứu khốn phò nguy. Họ La, để chỉ La Quán Trung, một nhà văn Trung quốc, đã dựa theo bộ chính sử Tam Quốc Trí của Trần Thọ, viết ra bộ chương hồi tiểu thuyết Tam Quốc Chí diễn nghĩa. Bộ này lưu truyền rất rộng. Tại Việt Nam có ba bản dịch nổi tiếng. Một là của Phan Kế Bính. Hai là của Đoàn Trung Còn. Ba là của Tử Vi Lang.
(2) Điền Tử Phương, Nhan Súc, hai nhân vật có thực, sống vào thời Xuân thu (770- 476 tcn), Chiến quốc (475 – 221 tcn)
(3) Kiều Phong, nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung trong bộ Lục Mạch Thần Kiếm.
(4) Lệnh Hồ Xung, nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung, trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ.
(5) Nhạc Bất Quần, nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ.
(6) Đoàn Dự, nhân vật tiểu tuyết của Kim Dung trong bộ Thiên Long Bát Bộ, Lục Mạch Thần Kiếm.
(7) Bính Dần, tức năm 1986.
Trích Phụ lục bộ Anh Hùng Lĩnh Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét