Như thế nào là “thuần Việt” và tại sao phải cứ nét vẽ thuần Việt ? Tổ tiên ta đã dùng chữ Nho (nhiều người gọi nhầm là chữ Hán trong khi nhà Hán ra đời sau chữ Nho hàng ngàn năm) làm chữ viết, ngày nay là chữ quốc ngữ lấy từ ký tự La-tinh hoặc bản thân chúng ta đang mặc bộ Vest, mang giày Tây… là không Việt ư ? Thời nào cũng có sự tiếp thu tinh hoa của nhân loại nhưng quan trọng phải xác định đâu là BẢN SẮC DÂN TỘC.
Tôi cũng là một người đang trong nghề truyện tranh và thấy rằng để làm một bộ truyện tranh lịch sử Việt Nam là vô cùng khó khăn, mặc dù so với các loại hình phim truyện, hoạt hình, kịch,… thì kinh phí đầu tư rẻ hơn, thị trường lớn hơn. Theo tôi, một bộ truyện tranh lịch sử thành công phải đạt được hai yếu tố. Đó là yếu tố giáo dục lịch sử nhằm nâng cao tinh thần dân tộc (chính sử và huyền sử) và nét vẽ phải thu hút người xem, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Điển hình là hai bộ Sát Thát của họa sĩ Nguyễn Bích và Thần Đồng Đất Việt của công ty Phan Thị được đánh giá rất cao.
Về yếu tố lịch sử. Nước ta cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… là những nước ĐỒNG VĂN, có rất nhiều nét văn hóa tương đồng mang đậm phong cách Á Đông. Cái khó là ở chỗ giống giống đó mà nhiều người nhầm lẫn và thật sự đã nhầm lẫn do dư âm của hàng ngàn năm ĐỒNG HÓA của phương Bắc. Ngày nay các nhà nghiên cứu sử học và khảo cổ đã chứng minh có nhiều di sản văn hóa của người Việt ta (Lạc Việt và những tộc Việt khác trong cộng đồng Bách Việt sống trải dài từ phía nam sông Dương Tử và Ngũ Lĩnh, còn gọi là Lĩnh Nam) đã bị người phương Bắc chiếm lấy và nghiễm nhiên tuyên bố là của họ (cũng vô lý như vụ Hoàng Sa – Trường Sa!). Điển hình là chiếc trống đồng (cách nay hơn 3.000) đã nói lên tất cả. Tổ tiên của người Việt đã biết trồng lúa nước, sống trong nền văn hóa lúa nước và xây dựng được nến văn minh lúa nước. Ấy vậy mà sách Trung Quốc lại ghi họ đã sang khai hóa văn minh cho “dân Nam man”, còn ghi việc ông quan cai trị nọ (không hề biết trồng lúa nước) dạy dân Việt cách …trồng lúa! Trong thời gian cai trị họ bắt dân ta phải lập đền thờ bọn quan cai trị, nghiêm cấm thờ Anh hùng dân tộc, vơ vét hết của cải và các di sản văn hóa (sách, người làm nghề giỏi…) và đốt bỏ hết những gì của dân ta mà họ không thể mang về được. Nói sai nhưng nói lâu ngày thành ra đúng làm cho nhiều người nghe riết rồi lầm lẫn.
Về nét vẽ. Tôi cũng đã rất vất vả lắm mới mời được vài nhóm hợp tác vẽ truyện tranh lịch sử Việt Nam vì đa số họ rất sợ đề tài này. Đề tài lịch sử rất nhạy cảm nên người vẽ được thì sợ “bị dư luận đánh tơi bời” còn người hăm hở thì thể hiện trật lất các yếu tố lịch sử như những điều đã nêu ở trên. Có lẽ cũng do nhiều lý do mà khi cầm đọc một tập truyện tranh lịch sử thì rất buồn vì cứ thấy như người Việt mình xấu xí, nghèo nàn lạc hậu trong khi vẽ quân giặc thì một là đẹp như trên trời giáng xuống, hai là xấu như ác quỉ hiện hình. Ví dụ, thời nhà Lý nước mình rất văn minh được cả thế giới công nhận, dân mình ăn mặc đẹp, quân đội mình đủ mạnh nên Lý Thường Kiệt mới dám đem quân sang đánh Tống ở tận Ung Châu. Ấy vậy mà rất nhiều truyện, họa sĩ không dám thể hiện người Việt mình đẹp, quần áo đầy đủ mà vẽ quân mình ….đóng khố đi đánh giặc được trang bị đầy đủ giáp binh. Bà Nguyên phi Ỷ Lan đẹp đến độ Vua nhìn một lần phải mê mà lại vẽ xấu (thô) hơn những cô gái nông dân bình thường. Về sau, nhiều họa sĩ không biết vẽ thế nào cho đúng đành chọn lối vẽ …hoạt hình (như trạng Tí) để không bị “đánh” là đúng hay sai yếu tố lịch sử.
Người viết nêu những ý kiến trên đây không phải để chỉ trích mà mong muốn chúng ta cần phải đánh giá đúng những đề tài lịch sử. Dư luận cũng bớt khắt khe khi có những bộ truyện với cách thể hiện sáng tạo mới chứ không nên bác bỏ. Góp ý xây dựng một nền truyện tranh Việt ngay trên đất Việt.
Tại sao không thể tiếp thu nét vẽ comic, manga khi người đọc đã quen và đã hình thành một tiêu chuẩn đánh giá nét đẹp của truyện tranh?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét