Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Truyện tranh Việt Nam đã có phong cách riêng

 
Nguồn SGTT.VN
Phát biểu tại hội thảo về “Cơ hội và thách thức” đối với truyện tranh nhân Festival truyện tranh lần thứ hai được tổ chức tại Việt Nam (30.5- 4.6), ông Sylvain Lemay - giảng viên đại học về truyện tranh của Canada cho rằng, mỗi quốc gia đều có thể tìm ra một phong cách truyện tranh phù hợp. Theo ông, bên cạnh những tác phẩm truyện tranh nổi tiếng của thế giới, truyện tranh Việt Nam trong mắt ông “cũng đã bắt đầu bộc lộ một phong cách riêng”. 

Truyện tranh Việt Nam đang tìm hướng đi riêng. Một trong những cách đó là làm lại các tác phẩm nổi tiếng.
Ông bày tỏ hy vọng “sau festival truyện tranh lần 2 tại Hà Nội, trên bản đồ phát hành của chúng tôi tại châu Âu có thêm truyện tranh đến từ Việt Nam! Hiện tại, truyện tranh Việt Nam thường được nhắm tới trẻ em. “Hãy kiên nhẫn. Sẽ đến thời kỳ dành cho mọi đối tượng và với mọi đề tài” – vị chuyên gia nói.

Quả vậy, truyện tranh của Việt Nam hiện mới chỉ dừng lại, là thể loại chủ yếu dành cho thiếu nhi. Đội ngũ những người làm truyện tranh ở Việt Nam yếu và thiếu so với sự hùng hậu của các “đế chế” truyện tranh nổi tiếng trên thế giới mà điển hình là “tam giác” Pháp, Bỉ ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Do chưa đủ thời gian để tích lũy thật nhiều kinh nghiệm về phương diện sáng tạo cũng như chưa dày dạn về kinh nghiệm thương trường, nên mặt hàng truyện tranh hiện nay chủ yếu mới chỉ được khia thác ở vài nhà xuất bản, trong đó nổi bật là nhà xuất bản Kim Đồng, thì lại nghiêng hẳn về truyện tranh ngoại: truyện tranh manga của Nhật Bản!

Trong khi đó, ở Pháp, truyện tranh đươc sự thừa nhận trong lĩnh vực sáng tạo và văn hóa, được tất cả các phương tiện thông tin đại chúng ủng hộ đề cao, được xã hội ghi nhận những giá trị văn hóa, tinh thần mà nó đã mang lại cho người dân. Hàng năm, xứ sở này đều tổ chức những liên hoan riêng về truyện tranh. Truyện tranh trở thành sản phẩm được tìm kiếm cho độc giả đủ mọi lứa tuổi, không chỉ trẻ em, và có được tin tưởng, cổ cũ ở khả năng chuyển tải nhiều nội dung khác nhau, kể cả các vấn đề chính trị, xã hội nghiêm túc. Tình hình đó diễn ra không chỉ ở Pháp, Ở Bỉ, Mỹ và Nhật Bản cũng tương tự. Đó là khi truyện tranh đáp ứng nhu cầu đọc- xem của nhiều tầng lớp độc giả cũng như những mối quan tâm của họ về cuộc sống thông qua loại hình sách- tranh này.

Tác giả kịch bản truyện tranh nổi tiếng người Bỉ Stephen Desberg cho biết tập đoàn của ông, hiện là tập hợp của nhiều nhà xuất bản về truyện tranh lớn ở châu Âu mà doanh số, ấn phẩm truyện tranh của họ hàng năm chiếm 30% thị phần sách nói chung. Mỗi năm tại Pháp và Bỉ, xuất bản trên 3000 đầu sách truyện tranh. Rất nhiều cuốn khác có tia-ra phát hành 2-3 ngàn bản đến 2-3 vạn bản. Đó là một thành công tuyệt vời, là giai đoạn “chín muồi” của truyện tranh sau khoảng 1 thế kỷ hình thành và phát triển. 

Để hoàn thành vai trò thương mại, các nhà xuất bản có nhiệm vụ thực thi tất cả mọi công đoạn để giúp tác phẩm được tiếp cận độc giả với những chiến dịch quảng bá hữu hiệu.Từ một câu chuyện tranh, có thể dẫn đến nhiều định dạng khác như phim hoạt hình; thậm chí một số hãng lớn còn “mượn” nhân vật trong truyện tranh đang bán chạy nào đó để gắn vào nhãn mác, thương hiệu của họ. Ở đó, những chiến dịch quảng cáo, truyền thông rầm rộ được coi là “lợi thế” để truyện tranh gia nhập vào đời sống xã hội một cách rộng rãi, tích cực.

Truyện tranh Nhật Bản đang càn lướt trên các quầy sách thiếu nhi ở Việt Nam.
Đặc biệt, sự “càn lướt” của truyện tranh manga Nhật Bản không chỉ thể hiện trên các quầy sách thiếu nhi tại Việt Nam. Tại châu Âu, truyện tranh Nhật Bản đã được “dọn đường" trước bằng phim hoạt hình, bằng đồ chơi trẻ em sản xuất hình các nhân vật của truyện tranh và do vậy, có thể gọi đó là một sự đầu tư lớn, khôn ngoan của người Nhật. Với ưu thế khổ nhỏ, bỏ vừa vào cặp, giúp các em nhỏ có thể mang đến lớp và dễ trao đổi, truyện tranh Nhật Bản đã dễ dàng “đánh bại” các “ông anh” truyện tranh của Bỉ, Pháp, Mỹ với số trang dầy, khổ lớn, giá đắt…

Trong bối cảnh đó, truyện tranh Việt Nam, vốn còn khiêm tốn, coi festival là một cơ hội ngàn vàng để tiếp cận các “cường quốc truyện tranh”, để học hỏi, giao lưu và bước đầu tính đến hiệu quả của sự tương tác giữa đội ngũ làm truyện tranh với độc giả Việt Nam. “Văn hóa đọc của công chúng trẻ Việt Nam là một vấn đề được coi trọng hàng đầu khi chúng tôi tiếp cận những quốc gia có kinh nghiệm làm truyện tranh lâu đời trên thế giới như Pháp, Bỉ, Mỹ, Nhật Bản… với mong muốn có thể khai thác và đưa đến cho độc giả của mình những cuốn truyện có đề tài, hình ảnh, ngôn ngữ phù hợp, thích ứng với văn hóa Việt Nam. Tất nhiên, là những người làm sách cho thiếu nhi, chúng tôi luôn hiểu rằng truyện tranh cũng có những nhược điểm của nó, do vậy người làm sách không thể không lo lắng, quan tâm thích đáng và kỹ lưỡng khi đưa ra những ý tưởng cụ thể và thực hiện nó!”- giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng, họa sĩ Phạm Quang Vinh bộc lộ.

Có thể nói, truyện tranh và văn hóa đọc sẽ là câu chuyện dài dài, khi mà phía trước, các NXB trên khắp các châu lục đều nhìn thấy đó là những cơ hội: truyện tranh cho người lớn, không chỉ trẻ em và truyện tranh không chỉ để giải trí… nhưng đồng thời đó cũng là những thách thức lớn, bởi sự ra đời của ibook, ipad và những đối thủ công nghệ khác…
Kim Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét